Triển khai dự án tái chế tuần hoàn khép kín

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 14:00, 17/06/2022

Moitruong.net.vn – Dự án tái chế Lon-thành-Lon tuần hoàn khép kín (“Can-to-Can”) là một minh chứng thú vị cho mô hình kinh tế tuần hoàn. Một chiến lược có thể góp phần vào xây dựng mục tiêu của Việt Nam vào năm 2050 về việc trung hòa khí thải Carbon.

Lễ Ký kết Khởi động Dự án tái chế tuần hoàn khép kín Lon-thành-Lon (“Can–to–Can”).

Ngày 16/6, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong chuỗi cung ứng bao bì nhôm để khởi động dự án tái chế lon nhôm đã qua sử dụng theo hướng tuần hoàn khép kín.

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường cho biết ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Theo đó, dự án tái chế Lon-thành-Lon tuần hoàn khép kín là minh chứng thú vị cho mô hình kinh tế tuần hoàn, một chiến lược có thể góp phần vào hiện thực hóa mục tiêu của Việt Nam là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Dự án trên nhằm mục đích tăng tỷ lệ tái chế lon tại Việt Nam để nâng cao tỷ lệ tái chế của vật liệu nhôm trong lon và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc tái chế, tái sử dụng vật liệu nhôm, đóng góp cho nền kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, dự án đặt mục tiêu thu gom 620 tấn trong một năm, tương đương hàng trăm triệu triệu lon nước giải khát đã qua sử dụng để tái chế và cho ra lon mới.

Việc tái chế Lon-thành-Lon này mang lại nhiều lợi ích cho môi trường, xã hội và quốc gia vì các lon nhôm đã sử dụng sẽ được thu thập để tái chế thành lon mới.

Bên cạnh đó, cách thực hiện này sẽ tiết kiệm và bảo vệ được tài nguyên và giảm năng lượng. Ngoài ra, cũng giảm lượng khí thải carbon, giảm lượng chất thải đi vào bãi rác và tạo ra một môi trường xanh, sạch, đẹp cho Việt Nam.

Ngọc Anh

Ngọc Anh