Gia Lai: Nghịch lý hàng trăm hộ dân sống gần công trình đại thủy nông 3.000 tỉ vẫn “khát nước”

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 12:30, 19/06/2022

Moitruong.net.vn – Hồ chứa thủy lợi Ia Mơr ở huyện Chư Prông (Gia Lai) hoàn thành hơn 5 năm nhưng chưa có vùng tưới, trong khi đó vùng đất dưới chân đập vẫn bị khát.

Đại thủy nông Ia Mơr được phê duyệt xây dựng kể từ năm 2005, hiện tại đã hoàn thiện các hạng mục công trình cụm đầu mối, hệ thống kênh chính, kênh dẫn đưa vào sử dụng… Dự án do Bộ NNPTNT làm chủ đầu tư với tổng mức vốn 3.000 tỉ đồng, dự kiến khi công trình đi vào hoạt động sẽ tưới tiêu cho tổng cộng 12.500ha đất sản xuất nông nghiệp của Gia Lai và một phần đất của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, thủy lợi Ia Mơr mới chỉ tưới tiêu được cho khoảng 800ha đất sản xuất của người dân xã Ia Mơr và một số xã thuộc huyện Ea Súp. Như vậy, nguy cơ lãng phí hiện hữu khi con đập chưa phát huy hết công năng của nó và chỉ đang sử dụng một phần công suất nhỏ.

Ruộng đồng khô khát đang chờ nước tưới. Ảnh: T.T

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông cho hay, hiện nay Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (thuộc Bộ NNPTNT) đang dẫn nước vào cho khoảng 600ha đất lúa của bà con, qua khảo sát còn 1.600ha đất có các cánh đồng ruộng lúa đã canh tác lâu năm đang trong tình trạng khô khát, thiếu nước.

Anh Rơ Lan Chung (người dân xã Ia Mơr) cho biết: “Nhà có 2ha đất trồng lúa, nhưng không có cách gì dẫn nước chảy vào ruộng. Thời tiết vùng biên giới nắng cháy khô khốc, nhiều diện tích lúa héo dần rồi chết vì thiếu nước. Vì vậy, người dân nơi đây chỉ trồng lúa được một vụ, giúp họ có miếng ăn qua ngày giáp hạt. Hơn ai hết, người nông dân quanh năm bám ruộng đồng mong ngóng từng ngày dòng nước hồ Ia Mơr chảy ngang qua, để tưới tắm cho mùa màng bội thu, dân no ấm”.

Chính quyền xã Ia Mơr cũng mong dẫn được nước từ hồ thủy lợi xuống các cánh đồng lúa héo hon nằm dưới chân đập, để giúp dân phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo. Để đến cuối năm, xã không phải lo đi huy động hỗ trợ từ các mạnh thường quân, cấp phát gạo cứu đói, hạt thóc giống cho dân làng. Nhưng điều oái oăm, nước muốn vào đồng ruộng thì phải có hệ thống kênh mương dẫn nước theo đường xương cá, mà hệ thống kênh này sẽ phải băng qua các khu vực… đất có rừng tự nhiên.

Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, không cá nhân, tổ chức nào được xâm hại cây rừng tự nhiên, nếu phá rừng hoặc xâm chiếm đất rừng trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc hình thành thế “da báo” giữa đất có rừng và đất trồng lúa của người dân địa phương nên bao nhiêu năm qua, nước hồ Ia Mơr vẫn tràn đầy mà không cách gì chảy vào được ruộng lúa, khiến đồng khô, người khát, cuộc sống của hơn 2.655 người dân vùng biên giới thêm bội phần khó khăn, túng thiếu.

Theo thống kê, người dân địa phương hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, chăn nuôi. Toàn xã có 142 hộ/568 khẩu nghèo, có 106 hộ/455 khẩu cận nghèo. UBND xã Ia Mơr đã nhận và cấp cho các hộ đói trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 là 63 hộ/242 khẩu với tổng số gạo là 3.630kg. Nhận và cấp 4.850kg gạo cứu đói trong đợt giáp hạt đầu năm 2022 cho 79 hộ/323 khẩu.

Trước vướng mắc đất có rừng tự nhiên chưa chuyển được sang đất nông nghiệp, xã đã làm tờ trình gửi lên UBND huyện, tỉnh để gửi ra Bộ NNPTNT, việc đồng ý cho chủ trương xây dựng các tuyến kênh xương cá băng qua đất rừng.

“Nếu tính toán xây dựng hợp lý thì hệ thống kênh dẫn nước này sẽ chiếm và làm mất diện tích đất có rừng không quá lớn. Làm sao để đủ nước tưới cho 1.600ha đất lúa hiện hữu của bà con đang khát. Tuy nhiên, chính quyền xã đề xuất nhiều năm qua rồi vẫn chưa thấy hồi âm. Tất nhiên, làm mất rừng và xây dựng công trình trên đất rừng là vi phạm pháp luật, nếu không có cơ chế, chủ trương thì không ai dám làm” – ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr nói.

Vì những vướng mắc, chồng chéo về quy định của pháp luật, việc chuyển đổi mục đích sử dụng 4.700ha đất rừng cũng như cách lựa chọn thiết kế vùng tưới của dự án thủy lợi còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả nên bao năm qua, người dân xã Ia Mơr vẫn mỏi mòn chờ đợi, ao ước nguồn nước từ kho chứa nước khổng lồ của đại thủy nông.

Tuấn Kiệt

Tuấn Kiệt