Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 01:00, 20/06/2022

Moitruong.net.vn – Không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà báo lỗi lạc của nền báo chí ấy. 97 năm qua, những lời dạy của Người về báo chí vẫn vẹn nguyên giá trị, là tài sản quý đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã sớm tham gia các hoạt động báo chí. Khi hoạt động tại Pháp, Người đã tham gia sáng lập tờ báo Le Paria (Ng­ười cùng khổ) để tạo một kênh thông tin, lên tiếng tố cáo bản chất tàn bạo của thực dân Pháp, làm cho nhân dân thế giới biết đến cuộc sống “cùng khổ” của người dân Việt Nam; từ đó lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh “tự giải phóng”. Khi ở Trung Quốc, Người đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1/6/1925) – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 21 tháng 6 năm 1925, Báo Thanh niên – cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và phát hành số 1. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và là cây bút chủ chốt. Sự kiện lịch sử này đặt dấu mốc khởi nguồn cho sự ra đời, không ngừng phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

Trong hơn nửa thế kỷ vừa hoạt động cách mạng vừa cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng ngàn bài viết, với hàng trăm bút danh khác nhau, được đăng ở nhiều báo trong và ngoài nước bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh… với đa dạng các chủ đề. Những bài viết của Người có văn phong độc đáo, gần gũi, dễ hiểu, được bạn đọc khắp năm châu đón nhận, mến mộ. Không chỉ viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn làm mọi công việc liên quan đến “nghề báo” như: Tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo việc làm báo, sửa bài, biên tập, in ấn, phát hành… Thực tiễn phong phú đó đã góp phần tạo nên tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng – một di sản vô cùng quý giá, đặc biệt mà Bác đã để lại cho thế hệ sau.

Nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng đã chỉ rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; “nghệ thuật viết” để làm nên một tác phẩm báo chí có giá trị. Trong đó, Người chỉ rõ: Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Chính vì thế, “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,…) phải có lập trường chính trị vững chắc”. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí là để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Do đó, mỗi nhà báo khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. Không được tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Đồng thời, phải tuyệt đối tránh các lỗi: viết quá dài “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng; đưa tin tức hấp tấp, thiếu thận trọng; là làm lộ bí mật; dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa”; “nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Lời Bác dạy mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh; luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thấm nhuần lời dạy của Người, báo chí cách mạng đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn đi đầu trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, vận động, cổ vũ các tầng lớp nhân dân vững tin theo Đảng, đoàn kết một lòng, tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công (1945), lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Báo chí của nhân dân, vì nhân dân

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, điều kiện nào, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí giàu tính chiến đấu, luôn luôn là đội quân tiên phong – lực lượng xung kích về chính trị, tư tưởng, văn hóa của Đảng, của nhân dân, của dân tộc. Báo chí là của nhân dân, vì nhân dân, vì quyền lợi của đất nước, cầu nối giữa Đảng với dân; phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân; chuyển tải đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước tới nhân dân; tổ chức hành động cách mạng của nhân dân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại thủ đô Hà Nội (5/1968). Ảnh tư liệu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng đi đầu sự nghiệp đổi mới; báo chí và các nhà báo là “chiến sĩ cách mạng”, lực lượng giàu sức chiến đấu, nhân văn luôn hướng về cuộc sống còn nhiều gian khó của hàng triệu người lao động; cổ vũ, lan tỏa việc tốt, người tốt – việc tử tế, người tử tế; đấu tranh phòng chống cái ác, tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện tiêu cực của xã hội; đóng vai trò tích cực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố quốc phòng – an ninh và hoạt động đối ngoại.

Nền báo chí cách mạng Việt Nam hội nhập sâu rộng với báo chí – truyền thông thế giới, vốn đã hình thành và phát triển từ hơn 300 năm nay.

Chào mừng kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), trong điều kiện mới, các chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, đang thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, những người làm báo đang phải hàng ngày hàng giờ xây dựng lập trường chính trị vững vàng, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo, giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp trong công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước, để báo chí xứng đáng là công cụ sắc bén và đắc lực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Hà Thu

Hà Thu