Báo chí 4.0 trong vòng xoáy đa cạnh tranh

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 11:00, 21/06/2022

Sự phát triển công nghệ truyền thông mới, báo chí cũng không đứng ngoài cuộc. Không chỉ phải chạy đua với sự nhanh nhạy của thông tin từ mạng xã hội trên mặt trận tin tức mà đồng thời còn phải chiến đấu trên mặt trận chống các thông tin giả mạo (fake news), sai lệch và giật gân. Khi tin giả đe dọa đời sống, vai trò của báo chí chính thống càng phải giữ được giá trị cốt lõi của mình.

“Phải thay đổi…..”

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) đã và đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong toàn bộ hoạt động báo chí của nước ta hiện nay. Giữa môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên báo chí được thỏa sức sáng tạo ra những sản phầm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Những sản phẩm báo chí multimedia (đa phương tiện) ra đời, với các kiểu bài như: Infographics, mega story, e-magazine, long-form,… đã không còn xa lạ với độc giả, tạo nên những món ăn tinh thần mới mẻ, khác với những bài báo chỉ gồm chữ viết và ảnh minh họa đơn thuần. Những cơ hội tuyệt vời để sáng tạo đó đồng nghĩa với việc đặt đội ngũ những người làm báo trước thách thức không nhỏ trong việc trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghệ và phải luôn tự làm mới những tác phẩm của mình. Sự cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông, đặc biệt là các sản phầm truyền thông mới vừa “làm khó” nhưng cũng vừa là động lực để nhà báo bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, tin giả (fake news) lan tràn khắp nơi, thì báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền. Báo chí bị đặt vào một thế cạnh tranh khó khăn, khi vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình đối với công chúng.

bao-chi-hien-dai.jpg
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) đang tác động ngày càng
sâu sắc đến nền báo chí Việt Nam

Tin tức giả (fake news) có thể hiểu đơn giản như: Nghe nói, tin đồn, phao tin có chủ ý và rác thông tin. Những biểu hiện cơ bản của tin tức giả là sự cường điệu và sai sự thật. Nếu người cầm bút mà rơi vào tình huống này thì có nghĩa là họ đang thiếu các kỹ năng làm báo.

Tin tức giả giống như các thông điệp quảng cáo bị cường điệu hóa và thực tế đã xuất hiện từ lâu. Gốc rễ của nó xuất phát từ động cơ tiêu cực của nguồn tin. Đó có thể là động cơ liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, doanh nghiệp, cá nhân… hoặc đơn giản chỉ là truyền thông gây ảnh hưởng, giải trí. Bản thân tin tức giả không thể tạo ra mối đe dọa nào nếu không được công chúng đón nhận và tương tác nhiều.

Vì lẽ đó, tin tức giả sẽ tự sinh tự diệt khi công chúng đủ tỉnh táo để nhận biết. Nhưng có một thực tế là tin tức giả đang tấn công mạnh vào hệ thống chia sẻ thông tin xã hội, nhất là trên mạng xã hội facebook. Tin tức giả đang trở thành cơn bão, len lỏi vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa... Nó thách thức sự thật và gây tổn hại đến cơ cấu xã hội.

Khi nước ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mọi thứ càng dễ thay đổi và khó kiểm soát. Cần phải thấy rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nền kinh tế “nhấp chuột” vô cùng năng động, trở thành xu hướng kinh tế mới. Điều này khiến giới báo chí buộc phải thích nghi với xu hướng “chuyển động” kỹ thuật số này.

Sản phẩm tin tức khi đó được cập nhật gần như tức thời, hấp dẫn, đa dạng, đa chiều và tác động đến đa giác quan của công chúng độc giả. Tuy nhiên, mặt trái của báo chí kỹ thuật số cũng bộc lộ rõ nhược điểm khi các tin tức dễ bị lợi dụng cho việc thông tin giật gân câu khách, nhằm tăng lượng views, traffic, visitors hay rating.

Trong khi các nguồn tin không được kiểm chứng một cách rõ ràng, đánh giá mức độ thiệt hại, hậu quả tác động xã hội, lợi ích lớn lao hướng đến phát triển bền vững như: Ổn định chính trị, phát triển kinh tế, an toàn xã hội, chống ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu…

Bởi vậy, hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo “cần luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Đứng trước áp lực “phải thay đổi” để khẳng định mình, nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã sẵn sàng đón nhận thách thức của thời đại công nghệ số và thể hiện quyết tâm trở thành một tòa soạn đa phương tiện. Thay đổi để lớn mạnh và trưởng thành, phù hợp với xu thế thời đại nhưng vẫn giữ lửa của báo chí cách mạng, đó chính là mục tiêu bền vững mà các tòa soạn báo hiện nay đang hướng tới.

….để thích ứng với dòng chảy

Chuyển đổi số đã giúp báo chí nhanh chóng chứng tỏ được sức hút đối với công chúng, bằng khả năng chuyển tải thông tin tới bạn đọc gần như đồng thời với sự kiện. Tận dụng những lợi thế về công nghệ số, một số cơ quan báo chí đã nhanh chóng xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại. Bên cạnh đó, việc sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao, sản phẩm dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí được thuận lợi. Công nghệ số cũng hỗ trợ nhà báo từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phát hành.

Những thay đổi về công nghệ và thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng cũng đem lại nhiều cơ hội và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của báo chí từ sản xuất đến phát hành. Điều này cũng tạo áp lực buộc các cơ quan báo chí, nhà báo phải đổi mới tư duy, cách thức làm việc trong hoạt động báo chí để đưa đến công chúng những tác phẩm báo chí hấp dẫn và chính xác nhất thông qua môi trường mạng.

tin-gia.jpg
Tin giả thực sự là một loại virus độc hại, tác động xấu đến nhận thức, hành vi cá
nhân, từ đó làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội

Báo chí tập trung coi trọng đổi mới nội dung, hình thức thông tin nhiều giải pháp khác nhau để đem đến bạn đọc, công chúng những thông tin đa dạng, phong phú, sâu sắc, khách quan cần thiết, nhiều người quan tâm, có hàm lượng tri thức cao, phù hợp với đông đảo bạn đọc, có chức năng giáo dục, thẩm mĩ, định hướng chuẩn mực.

Báo chí tích cực, thường xuyên lắng nghe những dư luận trên mạng, phân tích, thẩm định, sàng lọc thông tin để từ đó có những kế hoạch, chiến lược, giải pháp cho việc tổ chức thông tin một cách khoa học, đa chiều, mang tính lý lẽ, luận giải để phản biện, chống lại cái sai, cái lệch lạc và chứng minh, ủng hộ sự thật khách quan, đúng đắn, báo chí cần là lực lượng chính yếu trong việc chống lại các thế lực thù địch, những phần tử chống phá các quan điểm, chính sách, đường lối phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, bền vững của Đảng và Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực, mặt trận khác nhau một cách kịp thời, cương quyết, thuyết phục.

Đồng thời báo chí cần cân bằng dung lượng thông tin về các mặt tích cực và tiêu cực, về cái đẹp và cái xấu, thông tin có trách nhiệm, mang tính nhân văn trên tất cả các lĩnh vực khác nhau để giúp bức tranh về tình hình đất nước luôn đúng mực, khách quan, chính xác hơn, tạo niềm tin cần thiết, có lợi cho sự phát triển chung của quốc gia, dân tộc.

Quang Nhân