Phóng viên ảnh Hoàng An: Còn sức khỏe tôi còn dấn thân và cống hiến
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 09:00, 21/06/2022
Có duyên với nghề báo
Mở đầu câu chuyện phóng viên Hoàng An dẫn chứng, các cụ vẫn nói “Nghề chọn người chứ người không chọn nghề”, cái duyên tôi đến với nghề báo cũng đơn giản như vậy. Anh An kể, trước kia tôi làm nghề chụp ảnh nhưng rất thích ảnh mình chụp được đăng báo, thế là ngoài chụp ảnh dịch vụ tôi còn chụp ảnh cộng tác với nhiều tờ báo. Tôi cứ gửi tù mù vậy, không biết ảnh mình chụp có được các báo sử dụng hay không, không ngờ ảnh tôi chụp lại đắt hàng, được rất nhiều báo tin tưởng sử dụng, đặt hàng.
Phóng viên Hoàng An chia sẻ thêm, không dừng lại ở việc gửi ảnh đăng báo, tôi một phần muốn khẳng định mình, một phần muốn lan tỏa thông điệp của những bức ảnh đến công chúng nên tôi quyết định tìm đến các cuộc thi về ảnh, tôi nghĩ biết đâu ảnh của mình lại có duyên với giải thưởng. Quả thật như vậy, từ khi bước chân vào nghề nhiếp ảnh đến nay, tôi đã đoạt hơn 100 giải thưởng từ cấp địa phương đến cấp quốc gia, quốc tế.
Anh Hoàng An cho biết, tác phẩm ảnh đoạt giải thưởng thì nhiều nhưng tôi nhớ nhất là tác phẩm “Sống chung với lũ”. Trận lũ lịch sử tháng 10 năm 2016, làm nhiều địa bàn trong tỉnh Quảng Bình chìm trong biển nước. Đặc biệt là làng Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy bị cô lập như một ốc đảo. Để thực hiện được bộ ảnh cuộc sống người dân nơi đây, tôi mượn một chiếc thuyền của dân làm nghề chài lưới, với ý định chung sống với bà con một tuần để ghi lại hình ảnh cuộc sống hiện thực, thiếu thốn.
Phóng viên Hoàng An nhớ lại: Chiếc thuyền mà tôi mượn đi được giữa chừng thì gặp dòng nước quá to nên đành phải quay lui. Rất may mắn sau đó tôi có gặp được một chiếc thuyền của đoàn cứu trợ, tôi liền xin đi theo họ và được đồng ý. Tại đây, tôi đã chụp được nhiều bức ảnh, tôi nhớ nhất trong số tác phẩm này là bức ảnh đưa tang một người dân trong làng vừa mất trong những ngày lũ. Trước đó, được nghe một số người dân trong làng cho biết, chuẩn bị có một lễ đưa tang xuất phát lúc 10 giờ, trong đầu tôi liền nghĩ đây là một cơ hội để tôi có một bức ảnh đắt giá. Tôi tìm và trèo lên được nóc nhà trường mầm non của xã, phải đợi gần 3 tiếng đồng hồ giữa cảnh mênh mông biển nước, gió lạnh, tôi đã chụp được bức ảnh dòng người đưa tang, đúng là không có đam mê thì tôi không thể vượt qua.
Mặc dù, tổn hao công sức, mồ hôi đã đổ…Thế nhưng, cuối cùng những hy sinh của anh cũng được đền đáp, phóng sự ảnh “Sống chung với lũ” sau này đoạt được nhiều giải thưởng: Giải nhất Báo ảnh Việt Nam; Top 10 khoảnh khắc báo chí 2018 do Báo Nhà báo & Công luận tổ chức; Giải nhất cuộc thi biến đổi khí hậu do Trung tâm Khí tượng Quốc gia và Báo ảnh TTX Việt Nam tổ chức năm 2018, Huy chương vàng cuộc thi ảnh tại Trung Quốc.
Dấn thân và cống hiến
Hơn 20 năm theo đuổi nghiệp bấm máy, phóng viên Hoàng An đã nếm đủ những niềm vui, nỗi buồn, những thăng trầm, sấp ngửa cùng nghề báo. Vậy nhưng, anh bảo, tình yêu và niềm đam mê với những bức ảnh không vì thế mà hao mòn đi. Mỗi ngày, được cầm trên tay chiếc máy ảnh, cùng trăn trở, sáng tạo trên từng khuôn hình bấm máy, tình yêu nghề càng nhân lên gấp bội.
Phóng viên Hoàng An nhớ lại những lần đi tác nghiệp tưởng chừng phải đánh đổi cả tính mạng trước đó. Anh kể, vào trận lũ lịch sử tháng 10/2020, lượng mưa lớn nhấn chìm toàn bộ người dân Quảng Bình trong biển nước, đặc biệt là huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, tôi cùng anh bạn bám theo ca nô cứu hộ cứu nạn của lực lượng công an, lênh đênh sóng nước cả ngày để ghi lại cảnh cứu hộ cứu nạn của lực lượng vũ trang với bà con bị lũ cô lập, nhấn chìm nhà cửa… đi cả ngày trên đường, vào bờ thì ca nô bị hỏng máy, loay hoay mãi mới sửa được thì trời đã sẩm tối, ca nô thì về chốt chỉ huy của huyện, giữa mênh mông biển nước không thể vô bờ được vì dòng lũ chảy xiết, sóng to gió lớn chúng tôi đành ở lại, tá túc ở bệnh viện trung tâm huyện cùng bà con trốn lũ, trong bộ đồ ướt đẫm, rét run cầm cập để chờ trời sáng xin thuyền ca nô tiếp tế vào bờ, đợt lũ này tôi chụp được bộ ảnh “Quặn thắt lòng với người dân Quảng Bình sau lũ”, tác phẩm sau đó đoạt giải nhì Truyền hình Nhân Dân năm 2020.
Sau đó không lâu, tháng 2 năm 2021, thời điểm đỉnh dịch Covid - 19, tôi vượt gần 50 km đường rừng lội qua 9 con suối đến với chốt biên phòng làng Ho bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy sát biên giới Việt Nam – Lào, để ghi lại cảnh các chiến sỹ biên phòng cùng các lực lượng chống dịch ngày đêm canh giữ, không để dịch bệnh Covid - 19 lây lan rộng. Phóng sự ảnh “Oằn mình chống dịch giữa Đại ngàn Trường Sơn” sau này cũng được nhiều giải thưởng, giải B Cuộc thi ảnh Kiên cường Việt Nam do Bộ Y tế và Hội Nghệ sỹ tổ chức, được bộ VHTT&DL tặng bằng khen, được Hội Nghệ sỹ Việt Nam chọn triển lãm nhiều nơi, đoạt Giải báo chí Quốc gia năm 2020.
Nghe phóng viên Hoàng An kể về những lần đi tác nghiệp đó, tôi cảm phục anh vô cùng, tôi thấy niềm vui và sự tự hào trên khuôn mặt và giọng nói của anh khi kể về “những đứa con tinh thần của mình”. Có lẽ điều anh An cảm thấy vui nhất là anh đã làm đúng lương tâm của mình, làm tròn bổn phận của một người làm báo ảnh, sống và làm việc có trách nhiệm với xã hội, dám dấn thân, chấp nhận khó khăn, gian khổ để có những tác phẩm ý nghĩa và giá trị xã hội nhất định.
“Mối lương duyên của tôi với báo ảnh vẫn còn thênh thang phía trước, một khi tôi còn sức thì vẫn còn đó niềm đam mê và sự tận hiến trên hành trình sáng tạo của mình”, phóng viên Hoàng An ngậm ngùi kết thúc câu chuyện.
Hoàng An quê ở Quảng Bình, hiện nay là phóng viên ảnh của Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống. Hoàng An có hơn 20 năm làm nghề phóng viên ảnh. Anh có nhiều tác phẩm ảnh đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế, cụ thể: “Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang” (Giải báo chí Quốc gia 2016); “Quặn lòng với dân miền Trung sau sự cố môi trường” (Giải báo chí Quốc gia 2017); “Ngư dân Kỳ Nam điêu đứng do sự cố môi trường biển” (Giải xuất sắc của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam 2016); “Nhọc nhằn con chữ vùng cao” (Giải nhất kênh truyền hình MobiTV 2017); “Trang phục A Mưng của người Pa Co” (Giải nhì Báo Nhân dân 2017); “Sống chung với lũ” (Giải nhất Báo ảnh Việt Nam và lọt top 10 khoảnh khắc báo chí 2018 do Báo Nhà báo & Công luận tổ chức, Huy chương vàng cuộc thi ảnh tại Trung Quốc)…; “Chung tay xây dựng nông thôn mới” (Giải thưởng của Bộ VHTT&DL 2015); “Sau mùa gặt” (Giải báo chí toàn quốc về đề tài nông nghiệp nông thôn của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức); “Nhịp sống ven biển” (Giải ba của kênh truyền hình Báo Nhân dân 2017); “Oằn mình chống dịch giữa đại ngàn trường Sơn” (Giải báo chí quốc gia 2020).
Hoàng An có 4 năm liên tục đoạt giải báo chí tỉnh Quảng Bình: Tác phẩm “Tung Cánh” (Giải C năm 2015); “Gượng Dậy Sau Lũ” (giải B năm 2016); “Chung Tay Xây Dựng Nông Thôn Mới” (Giải B năm 2017); “Đánh Thức Tiềm Năng Nơi Miền Nắng Gió” (Giải khuyến khích năm 2018).