Bảo tàng Báo chí Việt Nam linh hoạt vượt khó, luôn sát cánh cùng sự phát triển của đất nước

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 13:00, 21/06/2022

Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức khai trương hệ thống trưng bày thường xuyên và đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong những năm đầu thành lập cộng với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng cán bộ, nhân viên Bảo tàng Báo chí Việt Nam luôn sát cánh và nỗ lực đưa bảo tàng phát triển, xứng đáng là Bảo tàng Báo chí đầu tiên trong cả nước.
hoa-5.jpg
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam về chặng đường 5 năm thành lập và khai trương hệ thống trưng bày cùng những kế hoạch phát triển trong thời gian tới.

Sáng tạo để vượt khó

PV: Là người đứng đầu Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bà đánh giá gì về 2 năm hoạt động của bảo tàng kể từ ngày chính thức khai trương hệ thống trưng bày (19/6/2020)?

Bà Trần Thị Kim Hoa: 2 năm kể từ ngày chính thức khai trương hệ thống trưng bày (19/6/2020) là thời gian rất khó khăn với bảo tàng chúng tôi. Khó khăn lớn nhất phải kể đến là về mặt con người, số lượng người ít nhưng khối lượng công việc lại rất lớn. Bản thân tôi vốn là một nhà báo, khi được cử sang lĩnh vực này, tôi đã khá bỡ ngỡ. Phần lớn các bạn trẻ trong cơ quan tôi cũng vậy. Chúng tôi đã phải cùng nhau mày mò từng bước để hoàn thành và mở cửa đón khách tham quan các không gian trưng bày thường xuyên, song song đó là vận hành bảo tàng trong bối cảnh mới, thách thức mới. Làm gì để bảo tàng luôn có những hoạt động hữu ích, có chiều sâu, được công chúng quan tâm, thu hút được người trẻ, bản thân người làm bảo tàng sớm trưởng thành và chủ động phát huy những thế mạnh của bảo tàng mình… Đó luôn là những việc khó, thậm chí là rất khó!

Khó khăn là vậy nên chúng tôi đã phải làm việc gấp đôi, thậm chí gấp ba để có thể triển khai các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng các bộ sưu tập hiện vật, tài liệu rồi tiến hành kiểm kê, bảo quản và khai thác, tổ chức trưng bày. Bảo tàng liên tục có những sự kiện diễn ra hàng tháng, hàng quý suốt 2 năm qua.

Hàng chục sự kiện cùng với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của đơn vị đã giúp chúng tôi lớn lên mỗi ngày, tự tin hơn mỗi ngày!

z3448212497669_cabafc359a8e3cbbf91f779518ea2507.jpg
Một góc trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam

PV: Trong tác động chung đến xã hội, lĩnh vực văn hóa nói chung và hệ thống các bảo tàng nói riêng cũng chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh COVID -19. Bảo tàng Báo chí đã gặp khó khăn gì trong thời điểm dịch bệnh COVID -19 bùng phát?

Bà Trần Thị Kim Hoa: Bảo tàng mở cửa gần 2 năm, cũng là thời gian đại dịch COVID -19 xảy ra, khiến mọi công việc, hoạt động của bảo tàng đều phải tính sao cho phù hợp nhất trong bối cảnh đó.

Chúng tôi một mặt tuân thủ quy định phòng dịch của Bộ Y tế, một mặt tích cực nghiên cứu, lên lịch cho các sự kiện, đợi thời điểm ngớt dịch là tổ chức triển lãm, trưng bày phục vụ công chúng.

Đầu tháng 3/2022, Triển lãm "Nhà báo vẽ" cùng bộ sưu tập áp phích chống dịch COVID -19 của tác giả Huỳnh Dũng Nhân được bảo tàng tổ chức sau nhiều lần bị hoãn do dịch dã căng thẳng, lễ khai mạc diễn ra trong hoàn cảnh một nửa cơ quan là F0 vừa hết hạn cách ly.

Cuối tháng 3 và giữa tháng 4/2022, bảo tàng tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề nhân sự kiện “100 năm Báo Le Paria”. Những hoạt động đó đã góp phần tích cực lan tỏa ánh sáng nhân văn và phong cách, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh - di sản quý báu Người để lại cho đất nước và nhân dân ta, cho các thế hệ người làm báo hôm nay.

Cuối tháng 4/2022, nhân dịp 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 – 1/5/2022), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị khai mạc sự kiện “Quảng Trị - Bản hùng ca vang mãi” và bảo tàng chúng tôi vinh dự là đơn vị trực tiếp nhận trách nhiệm tổ chức.

Ở Bảo tàng Báo chí chúng tôi, mỗi sự kiện được tổ chức cũng giống như một số báo đặc biệt vậy, bao giờ cũng chạy đua với thời gian, bao giờ cũng triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất!

PV: Bà và các cộng sự đã có ý tưởng sáng tạo để vượt qua thời điểm dịch bệnh khó khăn đó ra sao?

Bà Trần Thị Kim Hoa: Tôi chỉ xin dẫn chứng bằng câu chuyện làm sao chúng tôi có được những tư liệu quý giá về báo Le Paria trong thời điểm dịch bệnh và cách ly khắp cả nước, và cả trên thế giới! Năm 2022, là năm kỷ niệm 100 năm ra đời báo Le Paria, chúng tôi tâm niệm phải làm gì đó để ghi lại dấu ấn lịch sử quan trọng về một tờ báo xuất bản ở Pháp từ 1 thế kỷ trước, lại chịu sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Pháp thời đó. Việc tìm tư liệu không hề dễ dàng, việc di chuyển, sưu tầm giữa Việt Nam và Pháp thời điểm dịch lại càng khó khăn hơn. Ở trong nước, chúng tôi đã phải “gõ cửa” nhiều Viện nghiên cứu, bảo tàng và thư viện có tuổi đời và kinh nghiệm nghề nghiệp lớn hơn chúng tôi nhiều lần, mong được tiếp cận với những bản lưu liên quan đến Le Paria. Đồng thời, nhiều email đã bay đi xuyên biên giới, tới được nhiều trung tâm lưu trữ, bảo tàng, thư viện lớn... và may mắn đã nhận được sự hỗ trợ từ bảo tàng Lịch sử di trú Pháp và nhiều sự giúp đỡ của các đồng nghiệp quốc tế. Nhờ vậy, Bảo tàng đã sưu tầm được 28 số báo Le Paria, trong đó có số đầu tiên xuất bản ngày 1/4/1922 và số cuối cùng (số 38) xuất bản ngày 1/4/1926. Đó là một kết quả “như trong mơ”, khi mà bấy lâu nay, nói về Le Paria, ở Việt Nam chúng ta có lẽ chưa cơ quan nào sở hữu được chừng ấy nguồn tư liệu quý giá này!

Sáng tạo, hay nói đúng hơn, đó chính là sự quyết tâm, nỗ lực để biến tất cả thành hiện thực!

z3501492881878_62786cf3c2fb241f60b5db8d7fdcf010.jpg
Loa bờ bắc sông Bến Hải được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Kế hoạch hoạt động trong thời gian tới

PV: Theo bà, điểm nhấn để tạo nên sự khác biệt trong không gian trưng bày của bảo tàng là gì?

Bà Trần Thị Kim Hoa: Mỗi gian trưng bày trong Bảo tàng Báo chí có một điểm nhấn riêng mong tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn khán giả. Nhưng, cũng có một số điểm nhấn đặc biệt trong bảo tàng tạo nên nét độc đáo riêng không nơi nào có, như hình tượng bút sen ở gian khánh tiết, ngòi bút được bao quanh bởi những cánh sen kết bằng tên những tờ báo tiêu biểu trong suốt chiều dài 155 năm báo chí Việt Nam. Bút sen hàm ý tôn vinh nghề báo và những người làm báo Việt Nam, một hình tượng gắn liền với “bút sắc, lòng trong”!

Hoặc là chiếc bục hình viên kim cương ở gian trưng bày báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925, trưng bày nổi bật hình ảnh những tờ báo cổ xưa nhất thế giới và Việt Nam với hàm ý “ báo chí - những viên kim cương vô giá, cần được đặc biệt nâng niu, giữ gìn”.

Đặc biệt, để tôn vinh truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, bảo tàng có khu vực tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và nhân dân, vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

kim.jpg
Bục kim cương thu hút sự chú ý với 8 tờ báo từ Hiệp hội Báo chí Thế giới và 2 tờ báo của Việt Nam là Gia Định Báo và Báo Thanh niên

PV: Dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, người dân quay trở lại cuộc sống “Bình thường mới”. Trong thời gian tới, Bảo tàng có kế hoạch gì để thu hút khách tham quan, thưa bà?

Bà Trần Thị Kim Hoa: Trước mắt, chúng tôi đang dồn sức, tập trung hoàn thiện nội dung trưng bày thường xuyên và nghiên cứu, phân loại, bảo quản, khai thác tài liệu, hiện vật.

Dịp 21/6 tới đây, Bảo tàng Báo chí đang triển khai kế hoạch phối hợp tổ chức trưng bày với chủ đề dự kiến “Báo chí cách mạng – Những điểm nhấn” phục vụ sinh viên báo chí, tiếp tục tổ chức triển lãm tư liệu báo chí về Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và 100 năm báo Le Paria phục vụ công chúng TP. Hồ Chí Minh…

Nói chung, chúng tôi có rất nhiều những việc cần làm và hiện cũng đã có một số lời mời bảo tàng chúng tôi phối hợp cộng tác tổ chức sự kiện trong thời gian tới. Chúng tôi luôn ý thức rằng, để hoàn thành bất cứ một việc gì, đều cần phải tiếp tục nỗ lực, sáng tạo. Chỉ như vậy mới có thể “về đích” như mong muốn!

PV: Trân trọng cảm ơn bà, chúc bà cùng toàn thể cán bộ Bảo tàng Báo chí Việt Nam mạnh khỏe, tiếp tục sưu tầm và lưu trữ được nhiều tài liệu, hiện vật trong thời gian tới!

Nguyễn Nhung