Vĩnh Phúc: Tập trung triển khai dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 09:00, 23/06/2022
Gặp không ít khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, cùng nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT- GPMB), nhưng với mục tiêu tăng cường khả năng chống lũ, chống ngập, giảm thiểu tác động của thiên tai đến người dân, sự phát triển KT-XH trên địa bàn, hiện nay, các đơn vị thi công tại các gói thầu của Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc đang tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, phấn đấu hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.
Ông Hồ Quang Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng nguồn vốn 220 triệu USD (tương đương 4.815,8 tỷ đồng); trong đó vốn vay 150 triệu USD, vốn đối ứng 70 triệu USD do Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh (VPMO) làm chủ đầu tư. Địa điểm xây dựng là các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên; thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự án gồm 3 hợp phần gồm: Hợp phần 1 là quản lý rủi ro ngập lụt, trong đó xây dựng các công trình nhằm kiểm soát ngập lụt tại lưu vực. Hợp phần 2 là quản lý môi trường nước, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các thị trấn và các thôn/xóm/cụm dân cư dọc theo sông Phan trên địa bàn tỉnh. Hợp phần 3 là hỗ trợ thực hiện, tăng cường thể chế và hỗ trợ kỹ thuật, gồm hỗ trợ thực hiện dự án; đề xuất biện pháp để cải thiện nguồn nước và giám sát chất lượng nước và hệ thống cảnh báo lũ sớm.
Đây là dự án đầu tư công có tổng diện tích đất thu hồi lớn với tổng diện tích cần thu hồi, BT- GPMB trên 527 ha, có rất nhiều công trình và hạng mục trải dài khắp địa bàn các huyện, thành phố Bình Xuyên, Phúc Yên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương và Vĩnh Yên.
Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng chống lũ, chống ngập, giảm thiểu tác động của thiên tai; kiểm soát nguy cơ lũ lụt, cắt giảm điều tiết lũ cho lưu vực sông Phan, sông Cà Lồ; tăng khả năng tiêu thoát lũ, tích trữ nước và điều hoà cho sông Phan, sông Cà Lồ; cải tạo môi trường sinh thái và hình thành các hồ điều hoà, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Đồng thời, kiểm soát ngập úng cho đô thị trung tâm thành phố Vĩnh Yên và các đô thị, công nghiệp vùng lân cận… Dự án được triển khai theo Hiệp định vay số 8614-VN có hiệu lực ngày 25/9/2017 và thời hạn gia hạn đến 31/12/2023.
Tính đến hết tháng 5/2022, nhiều hạng mục, công trình thuộc dự án đã triển khai đảm bảo tiến độ như hợp phần 1, quản lý ngập lụt các nhà thầu đang san gạt mặt bằng, lập Kế hoạch biện pháp thi công tổng thể, đang xây dựng lán trại thi công hoặc bắt đầu thi công. Phần lớn các hạng mục, công trình của hợp phần 1 được các nhà thầu dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.
Đối với Hợp phần 2 (Quản lý môi trường nước) xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại các thị trấn Thổ Tang, Tam Hồng, Yên Lạc, thị trấn Hương Canh và xây dựng 14 điểm xử lý nước thải phân tán dọc sông Phan. Với Trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải tại các thị trấn Thổ Tang, Trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải tại thị trấn Tam Hồng, Trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải tại thị trấn Yên Lạc, các trạm này tiến độ thực hiện chưa đạt 10% giá trị gói thầu. Tuy nhiên, nhà thầu đều cam kết dự kiến đưa vào khai thác vận hành giữa hoặc cuối năm 2023. Riêng hệ thống thu gom nước thải thị trấn Hương Canh khởi công 12/8/2021, đến nay đạt 65,8% giá trị hợp đồng. Dự kiến đưa vào vân hành khai thác tháng 9/2022 sớm hơn kế hoạch.
Đối với Hợp phần 3 (Hệ thống cảnh báo lũ sớm) hiện đang thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, hoàn thành trong tháng 6/2022; tổ chức lựa chọn nhà thầu xong trong tháng 8/2022 và thực hiện hoàn thành hệ thống 31/12/2023 đồng bộ với việc hoàn thành các hạng mục thuộc hợp phần 1.
Sau đợt mưa lớn lịch sử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (Cuối tháng 5/2022), hàng ngàn ha lúa và hoa màu của tỉnh Vĩnh Phúc bị ngập nước; hàng loạt tuyến đường và khu dân cư ở các đô thị lớn trong tỉnh cũng bị ngập do mưa lũ; nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn phải xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình hồ đập… Người dân trong tỉnh đang hi vọng Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt sớm hoàn thành sẽ góp phần to lớn kiểm soát ngập úng cho đô thị và nông thôn; cải tạo môi trường sinh thái và hình thành các hồ điều hòa phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc trong tương lai gần…