Tây Ninh: Cần tuyên truyền việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn tới người dân

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 13:29, 23/06/2022

Tại tỉnh Tây Ninh, mỗi ngày cả tỉnh phát sinh 410 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, việc thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt 95%, nhưng ở nông thôn chỉ đạt 70%.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 2 khu tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), là Công ty CP Công nghệ môi trường Tây Ninh và Nhà máy xử lý rác tập trung của Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số cơ sở vừa và nhỏ có khối lượng chất thải phát sinh ít, chủ yếu ở các vùng nông thôn, đơn vị chức năng không có phương tiện phù hợp để thu gom, nên các cơ sở tự phân loại và xử lý bằng phương pháp ủ làm phân.

Có 5 đơn vị hành nghề thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép, trong đó có 4 đơn vị có hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, gồm Công ty cổ phần Môi trường xanh thu gom CTRSH tại 2 cơ sở phát sinh với tổng khối lượng 849.373 kg/năm và vận chuyển bằng phương tiện giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường Xanh Huê phương VN xử lý.

Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương VN thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại 25 cơ sở trên địa bàn tỉnh với tổng khối lượng 34.533.639 kg/năm.

Công ty cổ phần môi trường Thái Tuấn và các Đại lý vận chuyển thuộc giấy phép của Công ty thu gom và tiếp nhận 148.381kg từ các nguồn thải trên địa bàn tỉnh, toàn bộ CTRSH được chuyển giao cho Hợp tác xã vệ sinh môi trường thu gom rác Gò Dầu vận chuyển chuyển giao đơn vị có chức năng xử lý.

Công ty CP công nghệ môi trường Tây Ninh tiếp nhận và xử lý 95.874,27 tấn/ năm CTRSH của các đơn vị thu gom, vận chuyển trên địa bàn tỉnh.

xanh-1(1).jpg
Phân loại rác thải trước khi đưa vào xử lý tại nhà máy xử lý môi trường xanh Huê Phương Việt Nam.

Kể từ ngày 1/1/2022, nhiều quy định mới về quản lý chất thải theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực nhưng việc triển khai đến các cấp, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. CTRSH hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; các chương trình phân loại tại địa phương còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa được chính thức hoá; hoạt động thu gom CTRSH ở khu vực nông thôn còn thấp, chưa có nhiều cải thiện.

Theo ông Dương Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần môi trường đô thị Tây Ninh, một trong những đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các đô thị và một số địa phương trong tỉnh cho biết, hầu hết các hộ gia đình đều có thói quen bỏ chung rác thải sinh hoạt (gồm rác thải vô cơ, rác thải hữu cơ) vào chung, chờ công nhân vệ sinh môi trường đến mang đi vận chuyển, xử lý.

Do CTRSH (như vỏ chai nhựa, lon nước giải khát...) không được phân loại tại nguồn nên các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải vô cơ đều đưa tất cả vào xe vận chuyển chuyên dụng, mang đến nhà máy có chức năng, xử lý. Việc phân loại, xử lý như thế nào do doanh nghiệp có chức năng tiến hành, mất khá nhiều thời gian, đôi khi dẫn đến tình trạng “quá tải”, nhất là những tháng mùa mưa.

Nếu người dân hiểu và có ý thức phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, chỉ cần có 2 bịch nylon to, phân thành hai loại rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ. Khi đó, các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ có 2 loại phương tiện khác nhau để đưa đến nhà máy xử lý. Ông Dương Thái Bình nhận định, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mang lại nhiều lợi ích cho công tác bảo vệ môi trường, tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

xanh-2(1).jpg
Chuyện người dân phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn không phải là chuyện “một sớm, một chiều” mà cần thời gian dài tuyên truyền.



Anh Nguyễn Thanh Tâm - ngụ khu phố Hiệp Bình, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh cho biết, hằng tháng, gia đình anh đóng phí thu gom rác đầy đủ, có điểm bỏ rác sinh hoạt trước cửa nhà để công nhân dễ thu gom. Tuy nhiên, anh vẫn chưa hiểu được việc phân loại, rác thải sinh hoạt nào là hữu cơ, vô cơ.

Điều đó cho thấy để người dân có nhận thức đầy đủ về việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện.

Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn. Công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, nó sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.

Có thể thấy, ý thức của con người là yếu tố quyết định đến việc bỏ rác đúng nơi quy định cũng như phân loại rác thải. Thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác – bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi/ thùng rác mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người.

Vì vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, nó sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.

Do vậy, chúng ta nên thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ gia đình để việc xử lý rác thải được dễ dàng hơn. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là vấn đề cần thiết và thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường.

Bảo An