Hà Nội: Đánh giá tình hình thực hiện khu xử lý rác thải huyện Đông Anh

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 10:33, 27/06/2022

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông về việc kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh của Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang.
dong6(1).jpg
Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh của Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang.

Văn bản nêu rõ: Dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh do Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang đã khởi công xây dựng nhà máy từ năm 2011, nhưng đến nay chưa đưa vào khai thác, vận hành, gây ra lãng phí đất đai, nguồn lực đầu tư và bức xúc trong dư luận.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan (Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đông Anh, Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang...) kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện dự án của Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang; báo cáo, đề xuất giải pháp khắc phục để sớm đưa dự án vào vận hành, khai thác có hiệu quả. Trường hợp dự án không có khả năng hoàn thành, đề xuất biện pháp xử lý theo quy định, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định trước ngày 20-7-2022.

Trước đó, hồi tháng 4/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội đã có báo cáo số 2025 gửi UBND TP.Hà Nội về việc thực hiện rà soát quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP.Hà Nội.

Cụ thể, quy hoạch xử lý chất thải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg-CP ngày 25/4/2014 (Quy hoạch 609) Hà Nội có 17 vị trí khu xử lý chất thải (XLCT); 5 trạm trung chuyển; 26 bãi đổ chất thải rắn xây dựng (CTRXD); 3 bãi chôn lấp bùn thải thoát nước (BTTN); 13 dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020 và được chia thành 03 vùng phía Bắc, Nam và Tây.

Cũng theo quy hoạch 609 đến năm 2030 tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị khoảng 90-100%, nông thôn khoảng 80-95%. Tỷ lệ thu gom các loạt chất thải khác đạt từ 70-100%. Riêng chất thải rắn y tế, tỷ lệ thu gom đạt 100%.

Về tình hình các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thủ đô, theo rà soát của Sở TN&MT TP.Hà Nội trên địa bàn TP.Hà Nội có tất cả 17 khu XLCT rắn sinh hoạt. Cũng theo Sở này thì hiện chỉ có ba khu XLCT sinh hoạt đang hoạt động là Khu liên hợp XLCT Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; Khu XLCT rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây; Khu XLCT Cầu Diễn, Nam Từ Liêm. Hiện khu XLCT Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm được sử dụng để xử lý phân bùn bể phốt và xử lý chất thải y tế.

Riêng khu XLCT rắn Việt Hùng, huyện Đông Anh do Công ty Cổ phần đầu tư Thành Quang làm chủ đầu tư đã hoàn thiện 90 % dự án. Nhà máy dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 4/2017, đến nay dự án vẫn nằm "bất động" do chủ đầu tư xin điều chỉnh giấy phép bổ sung chức năng xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại.

Ngọc Minh