Cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, TP.HCM có 174 ổ dịch mới

Y tế - Ngày đăng : 17:00, 27/06/2022

Trong tuần 25, toàn thành phố ghi nhận 174 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 89 phường, xã thuộc 18/22 quận huyện, TP Thủ Đức, tăng 38 ổ dịch mới so với tuần trước đó.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 25, thành phố ghi nhận thêm 2.548 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 31,6% so với trung bình 4 tuần trước.

Trong đó, số ca bệnh nội trú là 1.467 ca nội trú và 1.081 ca ngoại trú. Tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay là 18.976, tăng 151,6% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm ngoái là 7.542 ca).

Trên toàn thành phố, có 21/22 quận, huyện ghi nhận số ca bệnh trong tuần tăng so với số ca trung bình 4 tuần trước (trừ quận 12), cao nhất là quận 3, quận 8, quận 11.

Những phường, xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Cô Giang (quận 1), phường 11 (quận 3), phường 15 (quận 8), phường An Phú Tây (huyện Bình Chánh), phường 11 và phường 22 (quận Bình Thạnh), phường 1 (quận Gò Vấp).

sot-xuat-huyet.jpg
Điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Ảnh: Nhật Thịnh

Cũng trong tuần 25, toàn thành phố ghi nhận 174 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 89 phường, xã thuộc 18/22 quận huyện, TP Thủ Đức, tăng 38 ổ dịch mới so với tuần trước đó.

Trong tuần vừa qua, thành phố tiếp tục ghi nhận một trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong quận Bình Tân (là trẻ em). Như vậy, tính đến nay, thành phố có tổng cộng 10 ca tử vong, ghi nhận tại Bình Chánh (2), Củ Chi (3), Bình Tân (2), quận 11 (1), Hóc Môn (1), TP Thủ Đức (1).

Theo Sở Y tế TP HCM, bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể từ nhẹ (chỉ sốt vài ngày rồi hết) đến rất nặng và tử vong. Đa số trường hợp bệnh nhân đều tự hồi phục, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn tiến thành thể sốt xuất huyết Dengue nặng có biến chứng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Bệnh diễn tiến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt (thường từ ngày 1 đến ngày 4 của bệnh), trong đó sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt trở lại. Ngoài ra người bệnh có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn. Đa số trường hợp bệnh sẽ tự thuyên giảm sau 5 ngày và bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau 1 tuần.

Sốt xuất huyết là bệnh có thể phòng ngừa. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Ngày 24/6, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (muỗi vằn) trên địa bàn Thành phố năm 2022 nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Từ đầu tháng 7/2022 và đến hết tháng 9/2022, UBND TP HCM phát động chiến dịch tổng vệ sinh tiêu diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu tất cả các hộ gia đình, trụ sở cơ quan, đơn vị, nơi sản xuất, trường học, bệnh viện, nơi công cộng… thực hiện các biện pháp triệt nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, xí nghiệp, trường học… cần tích cực và nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền và phát động chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue.

Bảo An