Thế giới đang đương đầu với tình trạng khẩn cấp về đại dương

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:30, 28/06/2022

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới đang đương đầu với tình trạng khẩn cấp về đại dương khi các vùng biển đều rơi vào khủng hoảng.

Ngày 27/6, phát biểu phiên khai mạc tại Hội nghị đại dương Liên hợp quốc lần thứ 2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới đang đương đầu với tình trạng khẩn cấp về đại dương khi các vùng biển đều rơi vào khủng hoảng.

Thế giới loài người phụ thuộc vào các đại dương và tình trạng các hệ sinh thái đại dương nhưng các vùng biển đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm.

Các đại dương là nơi sinh ra 50% khí oxy mà con người hít thở, cung cấp nguồn thực phẩm và dinh dưỡng thiết yếu cho hàng tỷ người mỗi ngày.

Bao phủ khoảng 70% diện tích bề mặt Trái Đất, các đại dương cũng là nơi giúp xoa dịu những tác động của biến đổi khí hậu tới sự sống trên đất liền nhưng với một cái giá rất đắt.

o-nhiem-nhua.jpg
Ô nhiễm nhựa đại dương hiện là một trong những thách thức lớn nhất toàn cầu. Ảnh minh họa

Các đại dương cũng hấp thụ khoảng 25% khí thải CO2 (ngay cả khi khí thải tăng tới 50% trong 60 năm qua) khiến nước biển bị axít hóa, đe dọa các chuỗi thức ăn trong lòng đại dương và làm giảm khả năng hấp thụ carbon của các đại dương.

Ngoài ra, vì các đại dương cũng hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa từ tình trạng ấm lên toàn cầu, các đợt sóng nhiệt xuất hiện ngày càng nhiều trong lòng đại dương, khiến nhiều rạn san hô quý chết đi và gia tăng những vùng biển chết thiếu oxy.

Một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo, nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, lượng rác thải nhựa hằng năm sẽ tăng gần gấp 3 lần, lên 1 tỷ tấn vào năm 2060.

Các hạt nhựa siêu nhỏ đã được tìm thấy trong băng ở Bắc Cực và trong bụng của những loài cá sống ở các rãnh sâu nhất của đại dương. Những vi hạt này ước tính có thể giết chết hơn 1 triệu loài chim biển và hơn 100 nghìn động vật có vú ở biển mỗi năm.

Do đó, các giải pháp đối với rác thải nhựa, như tái chế hay giới hạn sản lượng nhựa trên toàn cầu, cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị ở Lisbon.

Một vấn đề khác cũng được thảo luận là nghề cá toàn cầu. Bà Kathryn Matthews - nhà khoa học cấp cao thuộc tổ chức phi chính phủ Oceana có trụ sở tại Mỹ - cho biết: “Ít nhất 1/3 trữ lượng cá tự nhiên bị đánh bắt quá mức, trong khi có chưa tới 10% diện tích đại dương được bảo vệ. Nếu được quản lý đúng cách, cá sống trong môi trường hoang dã ở đại dương có thể cung cấp nguồn protein vi chất dinh dưỡng thân thiện với khí hậu, có thể cung cấp cho 1 tỷ người bữa ăn hải sản lành mạnh mỗi ngày - và mãi mãi ”.

Dự kiến, các đại biểu cũng sẽ hối thúc tạm đình chỉ khai thác kim loại hiếm ở biển sâu - vốn là yếu tố cần thiết cho lĩnh vực chế tạo pin xe điện đang bùng nổ.

Theo các nhà khoa học, hệ sinh thái dưới đáy biển hiện chưa được hiểu rõ và rất mong manh, có thể mất nhiều thập kỷ hoặc lâu hơn để chữa lành một khi bị phá vỡ.

Hội nghị Đại dương LHQ vốn được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 4/2020 và do Bồ Đào Nha và Kenya cùng đăng cai.

Cuộc họp tại Lisbon lần này sẽ kéo dài trong 5 ngày, với sự tham gia của các bộ trưởng và một số nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Mặc dù đây không phải là 1 hội nghị chính thức, nhưng các bên tham gia sẽ thúc đẩy xây dựng những chương trình nghị sự mạnh mẽ về đại dương tại 2 hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào cuối năm nay: Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập trong tháng 11, và Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước khung về Đa dạng sinh học (COP15) tại Canada trong tháng 12.

Các đại dương hiện là trọng tâm của dự thảo hiệp ước đa dạng sinh học, được xây dựng với mục tiêu ngăn chặn "nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt" đầu tiên trong 65 triệu năm - điều mà nhiều nhà khoa học đang cảnh báo.

Nguyên Lâm