Hà Nội - Bài 1: Áp lực ô nhiễm môi trường từ việc gia tăng dân số do Quy hoạch 2 bên đường Lê Văn Lương bị "băm nát"

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 20:00, 28/06/2022

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành kết luận thanh tra số 39, chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng tại khu vực 2 bên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội).
le-1.jpg
Trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu mọc lên hàng trăm toà chung cư cao tầng.

Theo Kết luận Thanh tra (KLTT) của Bộ Xây dựng, tại 31 dự án, công trình hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, chủ đầu tư đã thi công công trình sai quy hoạch được duyệt, sai tổng mặt bằng (TMB), phương án kiến trúc (PAKT) được chấp thuận; không có giấy phép xây dựng (GPXD), sai GPXD, sai thiết kế được duyệt.

Qua thanh tra cho thấy, việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án không đảm bảo đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, không đúng tiến độ, vi phạm khoản 3 Điều 65 Luật Quy hoạch đô thị 2009, dẫn đến không đảm bảo về môi trường, kiến trúc cảnh quan và đời sống cư dân đô thị.

So với quy chuẩn, có 3 đồ án thiếu diện tích cây xanh, 31 dự án không bố trí hoặc bố trí thiếu diện tích cây xanh, 2 đồ án thiếu đất giáo dục, không bố trí đủ trường học.

Trên thực tế đang có 10 ô quy hoạch công viên cây xanh chưa được đầu tư, trong đó có Khu văn hóa thể thao và du lịch Nam Từ Liêm (ô 9 - CCTP2) giao Cty CPĐT Văn Phú - ITC làm chủ đầu tư; Công viên hồ điều hòa Trung Văn (6 10-CXTPI) giao Cty CP Tập đoàn Phú Mỹ và Cty Đầu tư Văn Phú - Invest làm chủ đầu tư; diện tích cây xanh (6 03 CXTP) thuộc dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang giao Cty CP Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư…

Thanh tra còn chỉ ra có 4 dự án chủ đầu tư đã đưa công trình vào sử dụng khi không có kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng của cơ quan có thẩm quyền, vi phạm Điều 26 Nghị định 209/2004/NĐ-CP; khoản 1 Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP. Để xảy ra tình trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội và một số quận thiếu kiểm tra, xử lý không triệt để các vi phạm tại nhiều dự án, công trình, vi phạm Điều 10, 11 Nghị định 180/2007/NĐCP; Điều 3 Quy chế ban hành theo Quyết định 09/2014/QĐ-UBND; Điều 3, 4 Quy định ban hành theo Quyết định 04/2019/QĐ-UBND của UBND Hà Nội.

Kết quả thanh tra còn cho thấy, tại 3 dự án, các cơ quan chức năng cho phép thành lập bổ sung cấp học sai QHCT được phê duyệt, chưa đảm bảo về hạ tầng theo QCXDVN; Việc công bố, công khai các đồ án QHPK, QHCT được duyệt chưa đúng quy định về thời gian, hình thức, chưa đầy đủ nội dung; các TMB, PAKT được chấp thuận, chấp thuận điều chỉnh không được công bố công khai để tổ chức, cá nhân có trách nhiệm biết để quản lý, giám sát quá trình thực hiện, thực hiện không đúng Điều 32 Luật Xây dựng 2003; Điều 38, 39 Nghị định 08/2005/NĐ-CP; Điều 53, 54 Luật Quy hoạch đô thị 2009.

thanh-an.jpg
Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower (tên gọi mới là Manhattan Tower) đã nhiều lần bị điều chỉnh quy hoạch sai quy định.

Cụ thể, tại ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy có 3 lô đất là ô góc: Ô đất có ký hiệu 4.1-CC, 3.7-CC (tòa nhà Hà Nội Center Point do Hacinco làm chủ đầu tư), 9.1-CC (tòa nhà Diamond Flower do Handico 6 làm chủ đầu tư) được UBND TP.Hà Nội, Sở QH-KT, Sở Xây dựng “hô biến” từ đất công cộng thành đất hỗn hợp với chức năng thương mại, văn phòng, dịch vụ, nhà ở. Tòa nhà Hà Nội Center Point được nâng cả chục tầng, tăng mật độ xây dựng từ 26 - 52%; tòa nhà Diamond Flower được tăng từ 6 lên 39 tầng, mật độ xây dựng từ 33% lên 40,05%, tỷ lệ sử dụng đất từ 1,24 lần lên 13,4 lần… Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra sự bừa bãi của Sở Xây dựng Hà Nội trong cấp giấy phép xây dựng: nội dung không ghi màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng...

Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra loạt dự án “đu bám” bên đường Lê Văn Lương liên tục điều chỉnh quy hoạch không đúng quy định, nâng tầng cao, chuyển đổi chức năng sử dụng đất…

Có thể kể đến như, tại dự án Trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng và căn hộ cho thuê (MB Grand Tower), Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, QHCT tỷ lệ 1/500 hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân phê duyệt năm 2002, ô đất 7.3-QĐ có chức năng an ninh quốc phòng, định hướng mục đích kinh tế, mật độ xây dựng 39%, hệ số sử dụng đất 6,32 lần, tầng cao trung bình 16,2 tầng.

Tuy nhiên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) có Tờ trình 563 ngày 13/10/2008, UBND TP Hà Nội chấp thuận QH định hướng tại Văn bản 3362 năm 2008 điều chỉnh thành trụ sở, văn phòng cao 21 tầng, là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 29 Nghị định số 08 năm 2005 của Chính phủ, khoản 3 Phần 6 Thông tư 07 năm 2008 của Bộ Xây dựng.

Năm 2014, Sở QH-KT có Văn bản 3841 thỏa thuận khối đế cao 5 tầng, mật độ xây dựng 45%, khối tháp cao tối đa 25 tầng, mật độ 39%, là điều chỉnh quy hoạch vượt thẩm quyền, không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không có chỉ giới xây dựng.

Đối với dự án Trụ sở làm việc Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng tại ô đất N19.1 do Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, cơ quan thanh tra cho biết, QHCT tỷ lệ 1/500 hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân phê duyệt năm 2002, ô đất 5.6-QĐ là đất quân đội, mật độ xây dựng 39,6%, tầng cao 12 tầng nhưng Sở QH-KT có tờ trình số 563 ngày 13/10/2008, UBND TP Hà Nội chấp thuận QH định hướng tại Văn bản 3362 năm 2008 điều chỉnh ô đất này từ 12 thành 18 tầng.

Năm 2010, Sở QH-KT tiếp tục có Văn bản 4036 chấp thuận TMB, PAKT số tầng cao là 6, 17, 21 tầng (chưa bao gồm 1 tầng mái và 2 tầng hầm), là điều chỉnh quy hoạch không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, ghi số tầng cao sai QCXDVN, quy định là 22 tầng…

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng phát hiện, nhiều ô đất cơ quan bên tuyến đường Lê Văn Lương sau di dời nhường chỗ cho cao ốc mọc lên, trái với quy định của Thủ tướng.

Theo đó, tại điều 3 Quyết định số 130 ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: "Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch".

Tuy nhiên, sau khi di dời, UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã không ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị mà đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp.

Trong đó, ô đất 1.1-CQ là cơ quan khi di dời đi đã xây dựng dự án, công trình khu nhà ở cán bộ, nhân viên Ban Cơ yếu Chính phủ (Chung cư Ban cơ yếu Chính phủ) do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng là chủ đầu tư; ô đất 1.2-CQ là cơ quan khi di dời đã đầu tư Dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng và căn hộ chung cư do Công ty cổ phần Xây dựng Licogi 19 làm chủ đầu tư.

Hay sai phạm tại Thành An Tower, năm 2008, sau tờ trình của Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND Hà Nội đã chấp thuận quy hoạch định hướng về việc điều chỉnh tầng cao lên 25 tầng của dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower, do Tổng Công ty Thành An - Công ty TNHH Một thành viên làm chủ đầu tư.

Việc này không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân phê duyệt năm 2002 khi tầng cao của công trình ban đầu là 5 tầng.

Sau 3 lần điều chỉnh tiếp theo, dự án đã thay đổi từ đất cơ quan cải tạo chỉnh trang năm 2002, thành cơ quan văn phòng cao 25 tầng (năm 2008) rồi thành văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán (năm 2010).

le-2.jpg
Tuyến đường Lê Văn Lương lượng phương tiện giao thông đông đúc, thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường.

Việc điều chỉnh làm tăng diện tích đất xây, tăng mật độ xây dựng từ 40% lên 51%, tăng từ trung bình 5 tầng lên 30 tầng, tăng diện tích xây dựng lên 700 m2, diện tích sàn xây dựng tăng gần 64.000 m2, quy mô dân số tăng từ 500 người lên khoảng 1.308 người (tạm tính 327 căn hộ để ở).

Dự án tiếp theo bị điểm tên trong kết luận thanh tra là khu hỗn hợp văn phòng cho thuê - nhà ở tại ô đất 3.10-NO (Handiresco Complex), do liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư.

Với dự án này, UBND Hà Nội điều chỉnh quy hoạch 3 lần, Sở Quy hoạch Kiến trúc điều chỉnh một lần sai quy định pháp luật.

4 lần điều chỉnh đã biến từ đất ở thành văn phòng, thương mại thành hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ, một khối văn phòng tại tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở và nhà trẻ. Việc điều chỉnh làm tăng từ 6,5 lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm gần 10.800 m2.

Trong khi đó, đối với dự án tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở do Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Hà Nội - Sunrise là chủ đầu tư, UBND Hà Nội có quyết định lựa chọn nhà đầu tư cho chỉ tiêu quy hoạch ô đất là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng 51,7%, cao 15 tầng vào tháng 7/2005.

Sau 2 lần điều chỉnh của UBND Hà Nội và một lần điều chỉnh sai quy định của Sở Quy hoạch Kiến trúc, dự án trên từ đất ở đã biến thành dịch vụ, thương mại văn phòng và nhà ở. Tầng cao từ trung bình 7-8 tầng thành khối tháp 9-23-25 tầng, rồi từ 25 tầng thành 27 tầng, làm tăng thêm dân số tạm tính hơn 900 người.

Giang Anh