Hội thảo “Cơ chế chính sách sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường”
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:26, 16/04/2021
VIDEO: Hội thảo “Cơ chế chính sách sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường”
Hội thảo đã cung cấp những thông tin cần thiết và chính xác về nhựa phân hủy sinh học trong bối cảnh nhiều sản phẩm tự gắn nhãn mác bao bì tự hủy thân thiện với môi trường đang được tiêu thụ ngày càng nhiều trên thị trường với chất lượng chưa đảm bảo; đồng thời tạo diễn đàn đối thoại, trao đổi các vấn đề về cơ chế chính sách, xu hướng thị trường, tác động của Luật bảo vệ môi trường sửa đổi và bối cảnh kinh tế dưới tác động của đại dịch COVID-19 đối với việc sản xuất và tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học và các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý các sản phẩm này trong thời gian tới.
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, bà Phạm Thị Xuân – PCT Hội, ông Nguyễn Văn Toàn – PCT Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, ông Nguyễn Xuân Lai – Tổng thư ký Hội, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, đại diện ngành môi trường các Viện, Trường Đại học; đại diện các Hội, Hiệp hội ngành nhựa và các đơn vị Đoàn thể tại thành phố Hồ Chí Minh, cùng hơn 100 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ bao bì nhựa phân hủy sinh học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam khi đề xuất phối hợp tổ chức Hội thảo vô cùng hữu ích này. Hội thảo với mục đích trao đổi, thảo luận những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, công nghệ, nguyên liệu để sản xuất nhựa phân hủy sinh học nói riêng và các hoạt động tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nói chung.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc Hội thảo
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho biết: “Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia đang phải gánh chịu nhiều hệ quả từ chất thải nhựa nhất trên thế giới, đặc biệt là chất thải nhựa đại dương. Trước tác hại của rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm nhựa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hoạt động tái chế chất thải nhựa, trong đó, hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất, kinh doanh mới, nhất là những mô hình sản xuất vật dụng thân thiện với môi trường, từ sản phẩm tái chế tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, với những chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuế đất đai, đầu tư công nghệ tái chế, sử dụng nguyên liệu nội địa. Cụ thể, Bộ TN&MT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg năm 2020 về “Tăng cường, quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa”, theo đó đã đưa nhiều chỉ tiêu và biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, thực hiện tuần hoàn tài nguyên. Mới đây nhất, Luật bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã quy định nhiều chính sách mới để tăng cường quản lý chất thải nhựa, chất thải nhựa đại dương và quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong việc thu hồi, tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc”.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành (ngồi giữa), Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc (bên phải), ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (bên trái) chủ trì Hội thảo
PGS.TS Lê Hùng Anh – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đã giới thiệu tới Hội thảo về khái niệm nhựa sinh học, trên thế giới phân loại nhựa thành bao nhiêu nhóm nhựa sinh học. Các tác động của nhựa sinh học tới môi trường, sự khác biệt giữa các nhóm nhựa sinh học. Một số tiêu chuẩn chất lượng về nhựa phân hủy sinh học của các nước trên Thế giới, tiêu chuẩn cấp nhãn nhựa sinh học tại châu Âu. Những tác động tới môi trường và khả năng tái chế nhựa sinh học. Thực tế nhựa sinh học đóng góp rất lớn cho sự nghiệp bảo vệ môi trường như: giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên… Cuối tham luận, PGS.TS Lê Hùng Anh cũng kiến nghị Việt Nam nên có nhãn nhựa sinh học theo quy chuẩn của Việt Nam để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và tham gia vào sản xuất bao bì nhựa sinh học.
Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà khoa học và trên 100 doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ bao bì nhựa phân hủy sinh học
Ông Nguyễn Văn Hà – Giám đốc Công ty sản xuất bao bì Thành Phương nêu những khó khăn, vất vả khi sản xuất và đưa túi nilong thân thiện môi trường vào thị trường. Từ khi Bộ TN&MT ban hành thông tư 07, đây là cú huých cho các doanh nghiệp sản xuất có thêm sức mạnh để sản xuất túi nilong thân thiện môi trường. Ngoài khó khăn về cơ chế chính sách, Công ty còn bị sự cạnh tranh của các sản phẩm kém chất lượng, vì vậy người tiêu dùng nghi ngờ. Bộ phải thu triệt để 50.000đ/1kg đối với túi bao bì nilong
Bà Trần Thị Phương Hoa – PCT Hội Liên hiệp Phụ nữ Tp. HCM phát biểu tham luận tại Hội thảo
Bà Trần Thị Phương Hoa – PCT Hội Liên hiệp Phụ nữ Tp. HCM cho biết: “Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của bảo vệ môi trường, thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” do Trung ương phát động và Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” được các cấp Hội tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác của hội viên, phụ nữ tại các cấp Hội nhằm thay đổi mạnh mẽ ý thức của hội viên, phụ nữ nói riêng và cộng đông dân cư nói chung. Đồng thời, Hội cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi, bao bì nilong sử dụng 1 lần.
Bà Hoa cũng đưa ra 03 đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất nhựa thân thiện với môi trường:
- Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan có chỉ đạo cụ thể thời gian, lộ trình hạn chế dần sản xuất túi ni lông khó phân hủy để khuyến khích việc sử dung túi ni lông tự hủy.
- Đế xuất các cơ quan chức năng có hướng dẫn, giám sát thực hiện Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/4/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thu thuế đối với sản xuất sản phẩm túi nilông, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy.
- Bộ Khoa học và công nghệ công bố rộng rãi lợi ích, các chỉ số liên quan đến môi trường bị ảnh hưởng cụ thể khi nhựa dễ phân hủy thải ra đất. Trên cơ sở đó các cấp Hội Phụ nữ có thêm các kênh thông tin đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương – PCT hội liên hiệp phụ nữ Tp. Bến Tre báo cáo tham luận tại Hội thảo
Trong báo cáo tham luận của Bà Nguyễn Thị Thùy Dương – PCT Hội Liên hiệp phụ nữ Tp. Bến Tre báo cáo tham luận về công tác tuyên truyền, phòng chống rác thải nhựa: “Năm 2019, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trong việc chung tay hành động “Chống rác thải nhựa” vì một Việt Nam trong lành và phát triển bền vững, đồng thời tăng cường các hoạt động thực hiện cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, tập trung các tiêu chí “3 sạch” về sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, qua đó góp phần cùng cấp ủy nâng chất lượng tiêu chí “Không còn tình trạng vứt rác bừa bãi” theo chủ trương “Năm không” của Thành ủy, Hội LHPN thành phố đã tăng cường các hành động bằng phong trào chống rác thải nhựa, nhất là chống rác thải nhựa từ túi nilon trên địa bàn thành phố.
Bà Lê Nguyễn Bích Trang – Đại diện Sài Gòn Co-op trình bày tham luận tại Hội thảo
Bà Lê nguyễn Bích Trang – Sài Gòn Co-Op đại diện doanh nghiệp sử dụng nhiều sản phẩm bao bì nhựa tự tiêu hủy. Hiện tại Doanh nghiệp có hơn 1000 điểm bán lẻ trải dài khắp cả nước. Thực hiện chỉ đạo của chính phủ, bộ, ngành, Doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo tất cả các điểm bán lẻ phải sử dụng bao bì nhựa tự hủy, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, Doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn vì giá thành sản phẩm bao bì thân thiên môi trường thì đắt hơn bao bì thông thường. Hằng năm, doanh nghiệp sử dụng hơn 1000 tấn bao bì phục vụ người tiêu dùng, nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự cảm thông, thấu hiểu của người tiêu dùng thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
Đại diện Hiệp hội nhựa Việt Nam kiến nghị các chính phủ, đặc biệt là các bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Khoa học và Công nghệ cần có các quy định cụ thể về sử dụng tỷ lệ hữu cơ sinh học vào sản xuất bao bì.
Màn trình diễn của các sinh viên trường Đại học tại Tp. HCM trong trang phục quần áo được làm từ nhựa sinh học thân thiện môi trường, do ông Nguyễn Châu Long – Giám đốc Công ty Thiên Kim An thiết kế và sản xuất
Tại buổi Hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra các kiến nghị quan tâm xoay quanh giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, của doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm nhựa tự hủy, các vấn đề về môi trường liên quan đến chất lượng và vòng đời sản phẩm, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước và sự quan tâm của cộng đồng…
Chủ tịch Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc phát biểu kết thúc buổi Hội thảo
Kết thúc buổi Hội thảo, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc đã kết luận và có những đề nghị:
- Điều chỉnh thông tư 07/2012/TT-BTNMT ngày 04/7/2012 sao cho phù hợp với thực tiễn.
- Đề nghị Bộ TN&MT xem xét giấy chứng nhận nhựa thân thiện với môi trường, xây dựng các phòng thí nghiệm trong nước để test sản phẩm giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp
- Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân hiểu được tác dụng to lớn của nhựa sinh học vì một môi trường xanh, sạch đẹp.
Lãnh đạo Bộ TN&MT, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với đại biểu tham dự Hội thảo
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, Ban tổ chức cũng nhận được nhiều mong muốn, kiến nghị của các đại biểu là các nhà khoa học, doanh nghiệp về cơ chế chính sách, tiêu chuẩn đối với nhựa phân hủy sinh học, để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào sản xuất.
Hải Phong – Phương Nam