Gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã tại Đắk Lắk là rất cần thiết

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 15:30, 30/06/2022

Việc gắn định vị GPS cho voi hoang dã có thể xác định sự di chuyển của các đàn voi nhằm cung cấp thông tin để bảo vệ, bảo tồn quần thể voi, cũng như cảnh báo địa phương, người dân biết voi đi qua để giảm thiểu xung đột giữa voi và người.
voi(1).jpg
Một đàn voi rừng xuất hiện tại Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Sáng 29/6, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phối hợp Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tham vấn các bên liên quan nhằm hoàn thiện đề án đeo vòng cổ có gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã tại Đắk Lắk”.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk Trần Xuân Phước cho biết: Trước đây theo dõi bằng phương pháp bẫy ảnh, ở khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk có khoảng 80-100 con voi hoang dã. Mới đây, Tổ chức động vật châu Á lấy mẫu phân để phân tích số lượng thì có 48 con voi hoang dã.

Trong bối cảnh có sự biến động lớn về sự xuất hiện, thói quen di chuyển bất thường của các đàn voi hoang dã tại tỉnh Đắk Lắk trong 3 năm trở lại đây, một lần nữa cho thấy tính cấp thiết của việc sử dụng công nghệ GPS để giám sát voi hoang dã nhằm tìm hiểu về hành lang di chuyển theo mùa, quản lý tốt đàn voi và giảm thiểu xung đột voi và con người. Do đó, cần gấp rút hoàn thiện đề án, trình cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trong những năm qua, các đàn voi tại tỉnh Đắk Lắk thường xảy ra xung đột với con người, làm thiệt hại về kinh tế, thậm chí còn thiệt hại về người. Điều này ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực có voi phân bố. Ngược lại cũng đã xảy ra một số trường hợp voi chết có nguyên nhân trực tiếp từ con người.

Nhằm giảm thiểu xung đột giữa voi và con người, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk và Vườn Quốc gia Yok Đôn đã tổ chức các đợt khảo sát, theo dõi sự di chuyển của voi hoang dã tại khu vực này.

Tuy nhiên, các đợt khảo sát cũng chỉ thực hiện được vài lần trong một số năm nhất định. Việc hiểu các mô hình di chuyển của voi hoang dã vẫn chủ yếu dựa vào các địa điểm đã xảy ra xung đột giữa voi và con người; chưa hiểu đầy đủ cách thức sinh sống và di chuyển của voi hoang dã tại khu vực và vùng đệm của Vườn Quốc gia Yok Đôn và khi nào voi rừng di chuyển sang khu vực biên giới với Campuchia…

Chính vì vậy, việc gắn định vị GPS cho voi hoang dã có thể xác định sự di chuyển của các đàn voi nhằm cung cấp thông tin để bảo vệ, bảo tồn quần thể voi, cũng như cảnh báo địa phương, người dân biết voi đi qua để giảm thiểu xung đột giữa voi và người là hết sức cần thiết.

Trước đó, ngày 23/6, UBND tỉnh Đắk Lắk ký văn bản đồng ý cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo quốc tế “Tham vấn các bên liên quan nhằm hoàn thiện đề án đeo vòng cổ có gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã tại Đắk Lắk”.

Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Nỗ lực bảo tồn quần thể voi hoang dã lớn nhất Việt Nam tại Đắk Lắk do Tổ chức Word Wide Fund for Nature của Thụy Sĩ tài trợ.

Ngọc Minh