Quảng Nam: Tìm giải pháp đồng bộ chống sạt lở bờ biển
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 00:30, 15/04/2021
XEM VIDEO: Quảng Nam: Hàng chục ngôi nhà bị đe dọa bởi sạt lở
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hơn 10 năm qua, tình trạng sạt lở bờ biển tại Quảng Nam diễn biến rất phức tạp, gia tăng về quy mô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khu đô thị, khu dân cư. Mới đây, khu vực bờ biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, sạt lở hơn 3km, uy hiếp tính mạng của gần 1.500 hộ dân nơi đây. Hay như khu vực Cửa Lở, huyện Núi Thành, trung bình mỗi năm bờ biển bị xâm thực từ 30-40m, hàng trăm hộ dân tại đây bị mất nhà cửa, trôi đất sản xuất.
Nhằm giữ cát không bị trôi, đồng thời tạo thêm không gian trong lành, các chủ nhà hàng ven bãi tắm trồng thêm cây ở ngay khu vực sát vách nhà hàng.
Bờ biển thành phố Hội An là xảy ra sạt lở nghiêm trọng nhất. Những cái tên như Cửa Đại, An Bàng… từng được nhiều tạp chí uy tín trên thế giới bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh thì gần đây trở thành nơi hứng chịu nặng nề những tác động của biến đổi khí hậu và những hiện tượng thời tiết cực đoan. Hơn 10 năm qua, nhiều giải pháp cấp bách đã được tỉnh Quảng Nam và TP Hội An triển khai như xây dựng kè cứng, kè mềm, kè ngầm cản sóng… Nguồn kinh phí rất lớn đã đổ xuống đây nhưng không thể cứu được bãi biển đẹp trước nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi…
Thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021, song song với việc sửa sang lại cơ sở kinh doanh để đón khách du lịch, các chủ nhà hàng ven bãi tắm bỏ tiền túi đặt mua số lượng lớn tre, cát để gia cố lại bờ biển bị sóng “nuốt chửng”. Nhằm giữ cát không bị trôi, đồng thời tạo thêm không gian trong lành, các chủ nhà hàng ven bãi tắm trồng thêm cây ở ngay khu vực sát vách nhà hàng.
Tỉnh Quảng Nam đã xúc tiến làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để vay vốn đầu tư xây dựng, bảo vệ bền vững bờ biển Cửa Đại. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 8/2019 và hiện nay các cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Nam khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án, hoàn chỉnh đánh giá tác động môi trường để trình Bộ NN-PTNT phê duyệt, sau đó sớm tổ chức triển khai thiết kế và thi công sau khi hiệp định được ký kết với Cơ quan Phát triển Pháp.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền đến người dân, để mọi người hiểu hậu quả của sạt lở biển ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố; qua đó nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân với hoạt động phòng, chống sạt lở bờ biển.
Châu Anh