Mê Linh (Hà Nội): Cơ sở hoạt động trong Dự án khu nhà ở Tam Sơn nhiều “không” về môi trường

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 21:25, 30/06/2022

Công ty Cổ phần Thương mại và xây dựng Tam Sơn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép để thực hiện dự án khu nhà ở Tam Sơn tại thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh từ năm 2008. Thế nhưng đã gần 15 năm trôi qua, chủ đầu tư không triển khai Dự án mà lại cho các đơn vị vào thuê để sản xuất với các ngành nghề khác nhau, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Cơ sở hoạt động tại Dự án Tam Sơn nhiều “không” về môi trường

Theo tìm hiểu, trên địa bàn huyện Mê Linh có 60 dự án; trong đó, có 47 dự án đô thị và 13 dự án khác được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích 2.140ha. Trong tổng số 47 dự án đô thị đầu tư có 11 dự án không phải điều chỉnh quy hoạch được tiếp tục triển khai ngay; 32 dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 2 dự án mới phê duyệt nhiệm vụ, chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết; 1 dự án nằm trong quy hoạch mặt nước. Việc các dự án chậm triển khai không mang lại hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đáng chú ý, có những dự án đã “biến tường”, liên kết với các đơn vị khác, cho thuê đất để sản xuất kinh doanh, hoạt động không có hồ sơ pháp lý về môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

ong-thep-minh-phu-cong-ty-viet-quang-2(1).jpg
Xưởng cán tôn của công ty Việt Quang hoạt động trái phép trên đất dự án, không hồ sơ pháp lý về môi trường

Trong quá trình tìm hiểu, thu thập thông tin, tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn nhận được phản ánh của người dân thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Tp. Hà Nội về việc dự án nhà ở của Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Tam Sơn (Công ty Tam Sơn) “treo” đã nhiều năm, đến nay không những không triển khai mà còn tự ý cho cho các tổ chức, cá nhân thuê đất, dựng xưởng sản xuất với nhiều ngành nghề khác nhau.

son-tinh-dien-chung-nhi(1).jpg
Xường sơn tĩnh điện Chung Nhi hoạt động nhiều "không" nhưng vẫn không bị xử lý

Bà N.T.H, một người dân canh tác gần dự án cho biết: “Tôi nghe nói dự án nhà ở của ông Mong Công ty Tam Sơn cũng lâu lắm rồi nhưng bao lâu nay vẫn không thấy triển khai gì cả, chỉ thấy xưởng sản xuất thôi chứ có thấy xây nhà đâu”.

Ông P.V.T, người dân thôn Do Hạ chia sẻ: “Họ thu hồi đất của dân để làm dự án gần 15 năm nay rồi bỏ không, để hoang hóa, khoảng 5 năm nay bắt đầu san nền, cho các đơn vị thuê dựng xưởng sản xuất. Theo tôi được biết, dự án xây dựng nhà ở nhưng lại xây dựng nhà xưởng như thế này là không đúng nhưng không hiểu sao UBND xã và cơ quan chức năng không xử lý”.

xuong-co-khi-hoat-dong-o-nhiem-moi-truong(1).jpg
Xưởng cơ khí ông Nam hoạt động trên đất dự án của công ty Tam Sơn nhưng không bị chính quyền xã Tiền Phong và huyện Mê Linh kiểm tra, xử lý

Nhằm tìm hiểu, làm rõ những phản ánh của người dân về dự án khu nhà ở Tam Sơn, phóng viên (PV) Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có buổi làm việc với UBND xã Tiền Phong. Ông Đào Văn Tuấn – Cán bộ địa chính xã Tiền Phong cho biết: “Dự án của Công ty Tam Sơn trước đây được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt là dự án sản xuất và giới thiệu sản phẩm làng nghề, đồ gỗ. Tuy nhiên, trước khi sáp nhập với Hà Nội Công ty Tam Sơn chuyển đổi sang dự án đất ở đô thị nhưng chậm triển khai. Đối với công tác phòng cháy, hằng năm ít nhất 2 lần công an huyện Mê Linh kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và có cam kết tập huấn đối với cán bộ dự án. Công tác xây dựng do đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, phòng Quản lý đô thị quản lý, về môi trường do phòng TNMT quản lý. Hiện nay, Công ty Tam Sơn cho các đơn vị khác thuê đất để sản xuất chỉ là tạm thời, công ty đang “chạy” dự án xin cấp phép điều chỉnh sang nhà ở đô thị. Để đánh giá hoạt động của các đơn vị này có ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường hay không thì UBND xã không có chuyên môn máy móc, thiết bị kiểm tra”.

can-bo-dia-chinh-xa-tien-phong(1).jpg
Ông Đào Văn Tuấn – Cán bộ địa chính xã Tiền Phong cho biết: "Hằng năm vẫn có các cơ quan chức năng, ban ngành của huyện vẫn về kiểm tra các cơ sở hoạt động trên đất dự án của Công ty Tam Sơn

Được biết, ngày 17/4/2008 UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định số 1205/QĐ – UBND về việc cho phép Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Tam Sơn chuyển mục đích sử dụng đất đã thỏa thuận bồi thường GPMB, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang thuê xây dựng mở rộng Trung tâm thương mại dịch vụ đồ gỗ tại xã Tiền Phong.

Tuy nhiên, trước khi sáp nhập với Hà Nội, ngày 4/7/2008 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định số 2251/QĐ – UBND cho phép Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Tam Sơn chuyển mục đích sử dụng 7.128m2 đất từ đất thuê có thời hạn 49 năm sang xây dựng khu nhà ở Tam Sơn.

Khi sáp nhập với Hà Nội, dự án của công ty Tam Sơn phải điều chỉnh quy hoạch và chủ trương đầu tư dự án. Do đó, đến nay dự án xây dựng nhà ở vẫn “nằm im, bất động” thay vào đó là các nhà xưởng khung sắt thép được dựng lên với quy mô lớn, kiên cố.

xuong-nhua-xa-tien-phong-o-nhiem-moi-truong-2(1).jpg
xuong-nhua-xa-tien-phong-o-nhiem-moi-truong-1(1).jpg
Xưởng phân loại, tái chế nhựa của bà Mai Thị Lụa hoạt động không hồ sơ pháp lý về môi trường, PCCC.

Theo ghi nhận của PV, trên khu vực đất của công ty đang “mọc” lên 3 nhà xưởng với diện tích hàng nghìn m2. Trong đó có xưởng phân loại, tái chế nhựa của bà Mai Thị Lụa, xưởng cán tôn của công ty Việt Quang do ông Ánh làm Giám đốc và xưởng cơ khí của ông Nam. Ngoài ra, ông Mong – Giám đốc công ty Tam Sơn cũng đã xây dựng ngôi nhà 2 tầng kiên cố và nhà thờ họ ngay trên đất dự án.

ong-thep-minh-phu-cong-ty-viet-quang-(1).jpg
ong-thep-minh-phu-cong-ty-viet-quang-1(1).jpg
Xưởng cán tôn của công ty Việt Quang hoạt động nhiều năm nhưng không có hồ sơ pháp lý về thực hiện luật bảo vệ môi trường

Trong vai một người có nhu cầu tìm xưởng để sản xuất, PV được một công nhân ở đây cho biết: “Nhà xưởng ở đây hoạt động được 5 năm rồi, khi mới thuê chỉ là đất trống thôi, sau đó họ mới dựng xưởng”.

Bao giờ mới được xử lý dứt điểm?

Tiếp tục tìm hiểu về những vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Minh Cường – Phó chủ tịch UBND xã Tiền Phong, ông Cường cho biết: “Mấy năm vừa rồi người dân cũng kiến nghị suốt, rất bức xúc vì dự án của ông Mong. Nhất là khi ông Mong cho xưởng tái chế nhựa thuê, họ đốt xả khói, khí mù mịt gây ô nhiễm môi trường. Giờ cơ sở đó đã chuyển đi chỉ còn xưởng của bà Lụa chuyên phân loại nhựa thải sau đó chuyển đi nghiền. Về thủ tục Phòng cháy chữa cháy (PCCC) các nhà xưởng không có gì, chỉ có ít bình bọt, máy bơm nước...Về hồ sơ môi trường các đơn vị này cũng chưa được UBND huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.

pct-xa-tien-phong(1).jpg
Ông Ngô Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong làm việc với PV Moitruong.net.vn

Trong quá trình tìm hiểu, PV tiếp tục nhận được phản ánh của người dân thôn Do Hạ về xưởng sản xuất sơn tĩnh điện Chung Nhi hoạt động trên đất nông nghiệp, trong quá trình hoạt động xả bụi bặm, mùi sơn gây ô nhiễm môi trường. Ngày 19/5/2022, trao đổi với PV Ông Đào Văn Tuấn – Cán bộ địa chính xã Tiền Phong cho biết: “Khu vực thôn Do Hạ không có xưởng sơn tĩnh điện nào cả, khu vực đó giáp xã Nam Hồng, có thể xưởng sơn tĩnh điện đó thuộc xã Nam Hồng. Qua buổi làm việc hôm nay, tôi sẽ kiểm tra, xác minh và thông tin tới quý báo”.

son-tinh-dien-chung-nhi-1(1).jpg
Xưởng sơn tĩnh điện Chung Nhi hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng cán bộ địa chính, môi trường xã Tiền Phong không biết

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: “Đất đối diện trung tâm dạy nghề và đào tạo lao động SONA thuộc thôn Do Hạ, xã Tiền Phong. Đất được UBND xã thu hồi để làm đường nhưng mới trả tiền một nửa, sau đó thôn tự ý cho các hộ dựng hàng quán để phục vụ sinh viên ăn uống. Xưởng sơn tĩnh điện Chung Nhi này thuê lại của người dân, hoạt động chưa có hồ sơ về môi trường. Buổi làm việc hôm nay tôi mới được đồng chí Trung (Chủ tịch UBND xã) thông báo đầu giờ chiều, đồng chí Tuấn cũng không có báo cáo gì nên tôi cũng chưa nắm bắt, kiểm tra xưởng sơn tĩnh điện. Ngay sau buổi làm việc hôm nay tôi sẽ chỉ đạo cán bộ kiểm tra, yêu cầu xưởng sơn tĩnh điện dừng hoạt động”.

Điều 208, Luật đất đai 2013 quy định: Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Kính đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh nhanh chóng chỉ đạo các phòng ban kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm của Công ty Tam Sơn, xưởng sơn tĩnh điện Chung Nhi. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của Đảng ủy, UBND xã Tiền Phong trong công tác quản lý nhà nước khi để Công ty Tam Sơn hoạt động vi phạm các quy định của pháp luật về môi trường, đất đai trong nhiều năm qua.

Năm 2021, trong buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND Tp. Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn Tp. Hà Nội, ông Hoàng Anh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết: "Sắp tới, huyện Mê Linh sẽ kiên quyết báo cáo và kiến nghị UBND thành phố Hà Nội quyết định thu hồi đối với các chủ đầu tư không phối hợp triển khai thực hiện hoặc không đủ năng lực, nhất là các dự án có diện tích lớn. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị thành phố sớm cho phép những dự án đủ điều kiện được tiếp tục triển khai nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của địa phương.”

Thiên Minh – Thùy Dương