Thái Nguyên: Hạn chế thiệt hại trong khai thác khoáng sản mùa mưa bão
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 19:00, 01/07/2022
Mùa mưa bão, tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do sự cố sạt lở đất, đá, sạt trượt bãi đổ thải.
Mỏ đá Núi Chuông ở xã Yên Lạc (Phú Lương) bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2014 với diện tích được cấp phép 20,5ha. Thời gian qua, Mỏ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai.
Ông Hoàng Văn Khang, Phó Giám đốc Mỏ đá Núi Chuông - Chi nhánh Công ty CP Khai khoáng miền núi, thông tin: Chúng tôi thực hiện nổ mìn khai thác đá theo đúng thiết kế, phương án đã được phê duyệt. Trước khi tiến hành nổ mìn, chúng tôi bạt đỉnh, cắt tầng núi và tạo taluy hành lang an toàn. Ngoài ra, chúng tôi cũng trang bị bảo hộ, dây an toàn và tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao ý thức của công nhân trong việc chấp hành nghiêm nội quy, quy định của Công ty.
Còn tại Mỏ đá Hiên Bình, xã La Hiên (Võ Nhai), công tác đảm bảo an toàn cũng được doanh nghiệp chú trọng. Ông Phạm Văn Hưng, Giám đốc điều hành Mỏ đá Hiên Bình thuộc Công ty CP Thương mại - Đầu tư xây dựng Tân Lập, chia sẻ: Trước mùa mưa, đơn vị đã kiểm tra hiện trạng, đánh giá nguy cơ sạt lở và cậy dọn đá “mồ côi”, phát dọn khu vực khai thác. Sau khi nổ mìn, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, cậy dọn những tảng đá có nguy cơ lăn xuống chân núi. Hiện, Mỏ đang khai thác cắt tầng theo thiết kế. Các vị trí bãi tiếp nhận đá, chúng tôi đã đắp bờ đất để ngăn đá lăn…
Ngoài các đơn vị khai thác đá, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn có nhiều điểm mỏ khai thác cát sỏi, than, quặng… Trên sông Cầu và sông Công đoạn chạy qua 2 địa phương là Phú Bình và TP. Phổ Yên có khoảng 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng.
Để các doanh nghiệp khai thác hiệu quả, đảm bảo an toàn theo đúng quy định, chính quyền các địa phương đã thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão.
Ông Dương Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Thượng Đình (Phú Bình), cho biết: Trên địa bàn xã có 2 điểm khai thác cát sỏi. Chúng tôi thường xuyên phối hợp kiểm tra, theo dõi việc khai thác cát sỏi của các đơn vị theo ranh giới khu vực diện tích được cấp phép. Đồng thời tuyên truyền để các chủ bến bãi thực hiện nghiêm quy định của tỉnh, nhất là trong thời điểm mưa bão, nước sông dâng cao cần tạm dừng khai thác.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 200 mỏ, điểm khai thác, chế biến khoáng sản. Bên cạnh một số mỏ làm tốt công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn thì vẫn còn đơn vị chưa thực hiện tốt công tác này. Trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân xung quanh, như: Bãi đổ thải của Mỏ than Khánh Hòa ở xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên); Mỏ than Minh Tiến ở các xã Phú Cường, Na Mao (Đại Từ); mỏ khai thác đá ở các xã Quang Sơn, Tân Long (Đồng Hỷ)…
Thực tế, trong những năm qua, vào mùa mưa, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các vụ sạt lở bãi đổ thải, đá lăn tại một số điểm mỏ khai thác khoáng sản, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của nhân dân.
Nhằm bảo đảm an toàn tại các điểm khai thác khoáng sản, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản về việc chủ động ứng phó đối với sự cố môi trường, lũ quét và sạt lở đất. Yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, các hồ chứa bùn thải, bãi thải để có phương án xử lý, ứng phó kịp thời khi sự cố xảy ra.
Các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún, mất an toàn phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm, hạn chế người dân qua lại, đồng thời có phương án thiết kế, gia cố, bảo đảm an toàn…
Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị khai thác khoáng sản, người dân sinh sống ở cạnh khu vực khai thác cần quan tâm theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp trong sản xuất, sinh hoạt nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của mình.