Quảng Bình: Thành lập tổ liên ngành làm rõ vụ phá rừng phòng hộ Trường Sơn

Pháp luật môi trường - Ngày đăng : 09:03, 03/07/2022

Chiều 1/7, tin từ Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh cho biết, để tìm nguyên nhân và kịp thời ngăn chặn nạn phá rừng phòng hộ ở Trường Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh đã quyết định thành lập tổ liên ngành kiểm tra hiện trường, xác minh làm rõ vụ việc.
go.jpg
Phần thân cây bị cắt xẻ còn để lại giữa rừng.

“Rừng Trường Sơn có diện tích rộng, trữ lượng gỗ lớn, trong khi người dân sống gần rừng nên áp lực vào rừng là rất lớn, cứ khoảng 2 năm là xảy ra nạn phá rừng ở Trường Sơn. Đây là vấn đề “nóng” và phức tạp nên chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng bằng các biện pháp giữ rừng quyết liệt hơn - Chủ tịch huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông cho biết.

Thời gian gần đây, tại rừng phòng hộ khu vực thượng nguồn suối Chà Rào, tiểu khu 554 xã Trường Sơn do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý xảy ra vụ phá rừng. Thông tin bước đầu cho biết, tại tiểu khu 348, lâm tặc phá rừng lấy gỗ tại tọa độ X:544,671; Y:1,909,839, phát hiện có 1 cây gỗ chua bị lâm tặc cưa hạ, đường kính gốc 60 cm, đã bị cắt thành 4 khúc, lâm tặc lấy hết phần thân gỗ, còn lại bìa, cành ngọn. Tại tọa độ X:544.650; Y:1,909,876, phát hiện có 1 cây gỗ chua bị lâm tặc cưa hạ, đường kính gốc 60 cm, đã bị cắt 2 khúc, 1 khúc đã lấy hết gỗ, 1 khúc còn lại tại hiện trường và cành ngọn.

Tại hiện trường các vụ phá rừng, mỗi cây gỗ bị đốn hạ đều xóa đi một gốc rừng, nhiều cây có đường kính hơn 1m, có cây có đường kính lớn hơn thì rừng đã mất đi hàng chục mét khối gỗ nhưng ông Cừ không hề báo cáo với UBND huyện Quảng Ninh để có phương án xử lý việc lâm tặc vào rừng phòng hộ đẵn gỗ.

Lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Ninh, Ủy ban nhân dân xã Trường Sơn đã vào hiện trường xem xét bước đầu nhận định, việc phá rừng xảy ra trong khoảng tháng 3, 4/2022 và phá nhiều lần khác nhau chứ không phải phá ồ ạt. Tuy nhiên, số cây gỗ bị chặt hạ trái phép và khối lượng bao nhiêu thì chưa rõ.

Ngọc Minh