Nghi Sơn (Thanh Hóa): Dân “kêu cứu” vì nhà máy sản xuất bao bì xả khói gây ô nhiễm môi trường
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 17:53, 05/07/2022
Vừa qua, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống (Moitruong.net.vn) có nhận được phản ánh của người dân thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm về việc nhà máy sản xuất bao bì của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn đóng trên địa bàn thường xuyên xả khói có mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường. Sau khi tiếp nhận những ý kiến phản ánh, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống (PV) đã có mặt tại địa phương để “mục sở thị” những làn khói ảnh hưởng đến sức khỏe mà người dân nơi đây đang phải hàng ngày đối mặt.
Từ trục quốc lộ 1A, cách xã Trường Lâm khoảng 3 km theo hướng Bắc - Nam, PV hỏi thông tin về Công ty TNHH Miza Nghi Sơn, nhiều hộ buôn bán dọc đường khá tường tận về công ty này: “Công ty TNHH Miza Nghi Sơn là công ty chuyên sản xuất bao bì ấy hả? Nghe nói công ty này có nhà máy xả khói suốt ngày đêm, người dân họ phản ánh nhiều lắm”. Theo hướng dẫn của người chỉ đường, PV tìm về thôn Ninh Sơn, nơi bầu không khí đang bị bao trùm bởi khói và mùi hôi nồng nặc.
Hướng ánh nhìn về phía ống thải đang liên tục nhả khói của nhà máy sản xuất bao bì thuộc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn, PV ghi nhận từng cột khói đen, đậm đặc được phun ra; khói bay theo hướng gió và lan dần về hướng thôn Ninh Sơn; một mùi hôi nồng nặc xâm lấn khứu giác, gây cảm giác khó chịu, đau đầu và choáng váng;…
Trong khoảng thời gian tác nghiệp hơn 6 tiếng đồng hồ, PV đã xác định được mốc thời gian nhà máy xả khói dữ dội là sau 20 giờ tối đến gần sáng, với quy mô và tốc độ gấp nhiều lần ban ngày và hiển nhiên, mức độ ô nhiễm cũng tăng lên gấp nhiều lần.
Anh Lê Văn L, người dân thôn Ninh Sơn, người đã liên lạc với Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tỏ rõ sự bức xúc: “Họ xả khói suốt ngày đêm không ngừng nghỉ, nhưng xả nhiều thường là vào ban đêm. Không hiểu họ lắp đặt công nghệ xử lý khói thải kiểu gì mà xả toàn khói đen ra môi trường, lại còn hôi khét nồng nặc, gây váng đầu, chóng mặt và buồn nôn. Cuộc sống của người dân thôn Ninh Sơn chúng tôi dường như bị đảo lộn hoàn toàn từ khi nhà máy đi vào hoạt động. Ban ngày thì còn đỡ nhưng tối đến là phải đóng kín cửa để tránh khói thải len lỏi vào nhà. Không biết chúng tôi còn phải chịu cảnh sống kiểu đối phó và bất an này đến bao giờ?!”
Một người dân khác của thôn Ninh Sơn tỏ ra ngao ngán: “Mùi hôi nồng nặc phát ra từ ống khói của nhà máy sản xuất bao bì thuộc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn không khác gì đốt rác, đang trong mùa nắng nóng lại càng khó chịu không thể chịu nổi. Không chỉ riêng mình nhà tôi, mà còn nhiều nhà sống trong thôn Ninh Sơn đều bị ảnh hưởng bởi hoạt động xả khói của nhà máy”.
Được biết, cách đây hơn 1 năm, sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân về việc nhà máy của Công ty Miza xả khói gây ô nhiễm, UBND xã Trường Lâm đã lập đoàn đi xác minh và có Báo cáo số 238/BC-UBND gửi UBND thị xã Nghi Sơn, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp với nội dung: Qua kiểm tra đứng trên QL 1A nhìn xuống khu vực Nhà máy có thấy ống khói xả khói đen nghi ngút và có mùi khét đúng như phản ánh của nhân dân.
Sau lần kiểm tra đó, công ty đã có những động thái khắc phục bằng cách nâng cao ống khói để giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân. Tuy nhiên, theo chia sẻ của người dân thôn Ninh Sơn thì mức độ ô nhiễm vẫn không hề giảm đi, ngược lại, nhiều thời điểm còn trở nên trầm trọng và nhức nhối hơn. “Họ làm kiểu “đối phó” với các đoàn kiểm tra, còn chúng tôi vẫn thấy ô nhiễm lắm! Nâng cao ống khói, đầu tư công nghệ xử lý khí thải thế nào mà khói xả ra vẫn đen ngòm, khét lẹt, hôi nồng nặc, gây cảm giác váng đầu, nôn nao người,… Chúng tôi không quy chụp cho ai nhưng từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến thời điểm hiện tại, ở địa phương đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ và người già phải nhập viện vì một số bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nếu các lãnh đạo không tin người dân thì mời về ở thôn Ninh Sơn ở vài ngày, chắc chắn sẽ có câu trả lời xác đáng và khách quan nhất!” – anh Nguyễn Văn V gay gắt nói.
Lời chia sẻ của anh V là hoàn toàn có cơ sở, vì khi PV có trải nghiệm hơn 6 tiếng đồng hồ tác nghiệp gần Nhà máy, PV cũng bị choáng váng, uể oải, nôn nao vì hít phải khói thải. Thật bất an và đáng báo động, bởi PV chỉ tác nghiệp trong thời gian ngắn mà đã ảnh hưởng như vậy, thì liệu rằng, với việc phải chịu đựng trong thời gian dài, sức khỏe của người dân thôn Ninh Sơn sẽ ra sao?
Chia sẻ với PV về những vấn đề môi trường mà địa phương đang gặp phải, ông Mai Xuân Thể - Trưởng thôn Ninh Sơn, thẳng thắn: “Việc Nhà máy sản xuất bao bì của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn xả khói khét lẹt, gây ô nhiễm là có. Không những thế, tranh thủ những lúc trời mưa, Nhà máy còn lén lút xả nước thải ra con kênh thủy lợi gần đó. Tôi không biết nước thải đó đã qua xử lý chưa nhưng màu nước đen kịt, thối hoắc”.
Trưởng thôn Ninh Sơn thẳng thắn là vậy, nhưng qua trao đổi nhanh với ông Cao Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Trường Lâm về những vấn đề nêu trên, thì PV lại nhận được câu trả lời: “Không, tôi không nhận được phản ánh gì của người dân. Trước đây, thời điểm tháng 6 năm 2021, người dân cũng làm đơn kiến nghị lên chính quyền về việc nhà máy sản xuất bao bì của Công ty Miza gây ô nhiễm, nhưng vấn đề đã được xử lý, các cơ quan chức năng cũng đã vào kiểm tra cẩn thận rồi!”
Được biết, nhà máy sản xuất bao bì của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn được UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích khoảng 8,87 ha, tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn. Hiện tại, nhà máy đang hoạt động giai đoạn 1 với tổng công suất sản xuất giấy lớp mặt và giấy lớp sóng là 109.200 tấn/năm. Thời điểm nhà máy bắt đầu đi vào vận hành sản xuất, công ty đã xả nước thải thẳng ra con kênh thủy lợi của xã. Nước xả ra có màu đen sánh như dầu máy thải, đã khiến tôm cá, rong rêu sống trong kênh bị chết hàng loạt. Tình trạng chỉ được cải thiện khi người dân trong thôn đồng loạt ký đơn kiến nghị gửi lên các cấp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, những tác động tiêu cực đến từ nhà máy sản xuất bao bì của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn lại đang trở lại và nhức nhối hơn bao giờ hết. Người dân thôn Ninh Sơn nói riêng và dư luận nói chung đang cùng đặt ra một câu hỏi: “Liệu tình trạng ô nhiễm này còn tiếp diễn đến bao giờ?”