TP Hồ Chí Minh: Gần 2.000 tỷ đồng để “hồi sinh” kênh Hy Vọng

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:30, 01/04/2021

Moitruong.net.vn – Ban Quản lý đầu tư hạ tầng đô thị TP.HCM vừa đề xuất chủ trương đầu tư công dự án cải tạo kênh Hy Vọng trên địa bàn quận Tân Bình.

Theo Ban Quản lý đầu tư hạ tầng đô thị TP.HCM, nếu không được sớm cải tạo sẽ dẫn đến ngập úng cục bộ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất gây mất an toàn bay, đồng thời gây ô nhiễm môi trường cho người dân sinh sống hai bên bờ kênh.

Theo đó, dự án dài hơn 1,1km (với điểm đầu đường Phạm Văn Bạch, điểm cuối giáp với kênh Tham Lương), trong đó đoạn kênh hở dài 970m.

Toàn tuyến bố trí 55 hố thu để chờ kết nối thoát nước mưa lưu vực dọc hai bên bờ rạch, xây dựng mới 9 cống xả. Ngoài ra, dự án sẽ làm đường giao thông dọc hai bên bờ kênh rộng 6m, vỉa hè rộng 2m.

Tổng mức đầu tư hơn 1.980 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải tỏa hơn 1.595 tỷ đồng (tổng diện tích đất giải tỏa 21.209m2), chi phí xây dựng là 167 tỷ đồng…

Ban đề xuất thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và kiến nghị trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp sớm nhất.

Trước khi bàn giao qua Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, dự án cải tạo kênh Hy Vọng do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước làm chủ đầu tư.

Hệ thống thoát nước mưa và nước thải chung hiện quá cũ, chỉ còn khoảng 10% đạt yêu cầu

Nhận thấy việc cải tạo kênh Hy Vọng để giải quyết thoát nước, chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất là rất cấp bách, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập Thành phố kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ ngân sách Thành phố.

Dự án cải tạo kênh Hy Vọng là dự án thành phần 4A thuộc dự án Tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (giai đoạn 2) được UBND TPHCM chỉ đạo thực hiện cấp bách từ ngân sách TP từ năm 2013.

Đến tháng 5/2016, UBND TPHCM quyết định phê duyệt dự án đầu tư Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM đầu tư bằng vốn ODA của Ngân hàng thế giới, trong đó có hạng mục cải tạo kênh Hy Vọng với kinh phí thực hiện là 488 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 99 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 277 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2016, TPHCM và Ngân hàng thế giới đã kết thúc đầu tư dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM đầu tư bằng vốn ODA của Ngân hàng thế giới. Do vậy, việc đầu tư cải tạo kênh Hy Vọng cần phải bố trí bằng nguồn vốn khác.

Được biết, sân bay Tân Sơn Nhất có 3 hệ thống kênh thoát nước là kênh Hy Vọng, A41 và kênh Nhật Bản. Trong đó, dự án cải tạo kênh A41 và nhánh 2 kênh Nhật Bản sắp tới cũng được triển khai làm cống hộp, hiện trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Minh Thư

Minh Thư