Chốt giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 11/7

Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 17:30, 06/07/2022

Với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để góp phần giảm giá các mặt hàng vừa mang tính chiến lược vừa mang tính thiết yếu này.

Sáng nay (6/7), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

thue-bao-ve-moi-truong-voi-xang-dau.png
Sáng nay (6/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn

Sớm cắt giảm các loại thuế với xăng, dầu

Tại Phiên họp, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ về dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và Báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí cao về việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn so với quy định hiện hành.

Việc này nhằm kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao hiện nay.

Qua xem xét các vấn đề cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết với tỷ lệ tán thành đạt 100%.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giảm thuế BVMT về mức sàn trong Biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ, cụ thể:

- Xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít
- Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít
- Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít
- Dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít
- Dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/lít

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là mức giảm "kịch khung" mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định theo sự ủy quyền của Quốc hội.

Về thời điểm có hiệu lực thi hành, Chính phủ đề xuất nhanh nhất đến ngày 22/7/2022 để kịp ban hành Nghị định hướng dẫn và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giảm thuế BVMT đối với xăng dầu trong điều kiện hiện nay là rất cấp bách, thực hiện càng sớm bao nhiêu thì càng hiệu quả bấy nhiêu. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7/2022 để kịp cho kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo.

"Chính phủ đã rất nỗ lực, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương thực hiện cam kết tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khoá XV. Ngay khi các đồng chí có Tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Ủy ban Tài chính – Ngân sách tiến hành thẩm tra ngay và triệu tập phiên họp bất thường hôm nay để xem xét, thông qua Nghị quyết. Với tinh thần khẩn trương như vậy, chúng ta cố gắng làm ngày làm đêm hoàn thành ngay các công việc tiếp theo để triển khai Nghị quyết sớm nhất", Chủ tịch Quốc hội nói.

Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách phối hợp chặt chẽ, rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành chính thức.

Nghị quyết này sẽ thay thế cho Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời hạn áp dụng Nghị quyết đến ngày 31/12/2022.

Từ ngày 1/1/2023 sẽ áp dụng biểu thuế BVMT theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về biểu thuế bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết phải gia hạn thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sau.

thue-bao-ve-moi-truong-voi-xang-dau(1).jpg
Mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được giảm "kịch khung" trong thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Bình ổn giá xăng dầu, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh

Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện ngoài thuế bảo vệ môi trường, còn 3 loại thuế khác đang áp dụng đối với xăng, dầu là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu.

Trong đó, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, còn thuế nhập khẩu thì thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm khẩn trương xem xét, nghiên cứu cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

“Nếu bình thường ta sẽ xử lý theo tình thế bình thường, nếu cần cấp bách ta xử lý theo tình huống cấp bách”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, có 2 loại, gồm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA) thực hiện theo các cam kết quốc tế hiệp định song phương với Hàn Quốc và khu vực ASEAN và một loại là thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN) với thị trường Mỹ, Trung Quốc và Pháp.

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc và các nước ASEAN, thị trường Mỹ, Trung Quốc, Pháp rất ít.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc MFN khi đa dạng nguồn cung; còn loại ưu đãi đặc biệt thì phải thực hiện theo các cam kết chung, nên khó điều chỉnh.

Ngoài cắt giảm thuế, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao mà vẫn còn khó khăn, như các ngư dân đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp.

“Việc này các đồng chí chủ động có những kịch bản nghiên cứu để chúng ta ứng phó cho phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tuấn Kiệt