Mưa lũ những tháng cuối năm sẽ hết sức phức tạp

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:00, 07/07/2022

Theo dự báo có từ 10 đến 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông trong đó có 4 đến 6 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong những tháng cuối năm.

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai những tháng cuối năm nay của Tổng cục phòng chống thiên tai – Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai diễn ra chiều 6/7, các đại biểu cho rằng, thiên tai những tháng cuối năm diễn biến phức tạp, cần sẵn sàng các phương án không để bị động trong các tình huống.

Tính từ đầu năm đến ngày 4/7, thiên tai trên cả nước đã làm 73 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước khoảng hơn 4.000 tỷ đồng; gấp 2,7 lần thiệt hại về người và thiệt hại về kinh tế gấp 24 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định chung tại hội nghị cho thấy, mưa lũ những tháng cuối năm sẽ hết sức phức tạp. Dự báo có từ 10 đến 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông trong đó có 4 đến 6 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong những tháng cuối năm.

mua-bao.jpg
Mưa bão những tháng cuối năm được dự báo sẽ hết sức phức tạp

Mưa từ tháng 7 đến tháng 9 ở khu vực Bắc Bộ cao hơn từ 15% đến 30% so với trung bình nhiều năm; từ tháng 10 đến tháng 11, khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nguy cơ cao xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 30% đến 60%, có nơi trên 70%; các sông Trung Bộ và Tây Nguyên khả năng xuất hiện từ 2 đến 3 đợt lũ lớn. Nhận định về lượng mưa, khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm nay có thể xuất hiện lũ lớn, diễn biến phức tạp, thậm chí vượt mức lịch sử năm 2020.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lưu ý, cường độ mưa cực đoan ở miền núi phía Bắc sẽ gia tăng kèm theo hiện tượng lũ quét sạt lở đất xảy ra cục bộ và thường xuyên hơn so với so với năm 2021.

Một số ý kiến cho rằng, vẫn còn tâm lý chủ quan ở nhiều địa phương, nên vẫn xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. Với diễn biến phức tạp khó lường của thiên tai, các dự báo, cảnh báo cần chính xác và kịp thời để người dân và địa phương chủ động ứng phó. Ngoài ra, cần xác định chính xác cấp độ rủi ro thiên tai để có phương án ứng phó đúng mức không để vượt quá mức dự báo khi thiên tai diễn ra trên thực tế.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, kiểm soát an toàn xã hội trước thiên tai phải thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế. Thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, khó lường và khó dự báo đòi đòi phải nâng cao năng lực truyền thông cho cộng đồng, nhất là đối với những đối tượng dễ bị tổn thương, không để bị động trong các tình huống khi diễn ra thiên tai.

Mai Chi