Đồng Nai: Khai thác hiệu quả môi trường rừng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 06:30, 30/05/2021
Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn tới nhằm góp phần nâng cao chất lượng rừng, năng suất rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, tăng cường chức năng bảo vệ môi trường, chống xói mòn, điều tiết nguồn nước, phòng chống thiên tai, duy trì ổn định độ che phủ rừng, tăng khả năng hấp thụ carbon, đảm bảo sự phát triển bền vững của rừng.
Đồng Nai có nhiều lợi thế cho thuê MTR làm dịch vụ và phát triển du lịch rừng. Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nhiên nhiên, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương và tăng nguồn thu tái phục vụ cho phát triển rừng, tỉnh đã quy hoạch các khu vực phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đường kết nối, đồng thời mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch rừng.
Du khách trải nghiệm leo núi ở rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú
Với việc thực hiện bảo tồn, phát triển rừng theo phương án quản lý rừng bền vững như hiện nay, sẽ góp phần thúc đẩy sự phục hồi nhanh hơn nữa của khu rừng bị suy thoái sau khai thác, hệ quả bị phun rải chất độc hóa học trong chiến tranh; cây gỗ lớn bản địa sau khi trồng. Đối với lĩnh vực nuôi dưỡng rừng tự nhiên rừng sản xuất, phương án quản lý rừng bền vững sẽ nâng cao chất lượng sản xuất của rừng. Bên cạnh đó, một mục tiêu quan trọng hiện đang được tỉnh quan tâm hiện nay là vấn đề dựa vào phương án quản lý rừng để khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái từ rừng.
Hiện nay, tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) hay rừng phòng hộ Tân Phú… đều có những dự án du lịch đã và đang phát triển, hình thành. Phó giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, Khu bảo tồn đang có một dự án du lịch sinh thái rừng tầm cỡ chuẩn bị xúc tiến đầu tư là Khu du lịch sinh thái – nuôi thú bán hoang dã Safari, dự án công viên hàng không, dự án khai thác du lịch trên hồ Trị An…
Việc khai thác du lịch nhưng vẫn bảo đảm diện tích đất rừng không bị mai một là mục tiêu xuyên suốt trong phát triển du lịch sinh thái rừng của Đồng Nai. Chủ trương này luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, nhắc nhở các địa phương trong quá trình khai thác, mời gọi đầu tư các sản phẩm du lịch.
Có thể thấy rằng, hệ sinh thái rừng từ lâu là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đã được gìn giữ, trân trọng và cần được gìn giữ một cách bền vững. Bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo tồn và phát huy hết những giá trị của thiên nhiên, góp phần nâng chất môi trường sống, vừa giúp con người khám phá được những gì xung quanh đang diễn ra.
Đồng Nai là tỉnh có diện tích rừng lớn và đa dạng (đặc dụng, nguyên sinh, rừng trồng; rừng trên núi, trên đảo, rừng ngập mặn). Đa phần rừng trên địa bàn tỉnh đều có lợi thế khai thác dịch vụ, du lịch, nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Hiện có nhiều dự án thuê môi trường rừng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang tìm hiểu như: The Coi (H.Định Quán), Safari (H.Vĩnh Cửu), hồ Đa Tôn… nhưng chưa có dự án nào được phê duyệt. Sở NN-PTNT đang cùng với các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện và các chủ rừng xây dựng đề cương dự án cho thuê MTR trên cơ sở bảo vệ đa dạng sinh học, khai thác hiệu quả tài nguyên rừng, bảo vệ đất lâm nghiệp.
Minh Khang