Đà Nẵng sẽ nhận chìm 346.790 mét khối bùn xuống biển
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:30, 29/05/2021
Được biết, tiểu dự án Bảo vệ, nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão của âu thuyền Thọ Quang và khả năng thoát lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng, thuộc dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò đoạn qua địa phận Đà Nẵng vừa được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), trong Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 18/5/2021.
Vị trí bùn nạo vét được nhận chìm
Theo đó, khu vực âu thuyền Thọ Quang sẽ được nạo vét bùn với diện tích 50,17ha. Toàn lòng âu thuyền sẽ được chia ra 20 phân vùng và nạo vét cuốn chiếu theo phân khu đã thiết kế. Tàu hút di chuyển theo sơ đồ vị trí từ bên trong khu vực âu thuyền Thọ Quang ra đến cầu Mân Quang. Sử dụng tàu hút xén thổi với đầu hút bố trí lưỡi xén để cắt xé lớp bùn nạo vét và bơm hút bùn, nước lên sà lan bằng ống có đường kính 300mm. Thả phao quây xung quanh tàu hút hoạt động nhằm hạn chế tối đa phát tán bùn từ quá trình nạo vét.
Đối với rác trên bề mặt âu thuyền trên cạn và phần dưới nước được vớt thủ công hoặc nhờ các thiết bị máy móc hỗ trợ. Bố trí sàn tách rác thô tại sà lan để giữ rác trên bề mặt thanh chắn rác, còn bùn và nước chảy về từng khoang của sà lan. Rác thải được vận chuyển lên bờ, đem đi xử lý, còn toàn bộ hỗn hợp bùn nạo vét lẫn nước được vận chuyển đến vị trí nhận chìm đã được UBND thành phố thống nhất. Tổng khối lượng bùn sau khi nạo vét, tách rác là 346.790m3. Sau khi nạo vét, bề mặt âu thuyền được đổ dung dịch men vi khuẩn quang hợp để làm trong nước.
3 sà lan với công suất mỗi sà lan 1.495m3/ngày (trung bình 6 chuyến/ngày) sẽ vận chuyển chất nạo vét đi nhận chìm với khối lượng chất nạo vét dự kiến khoảng 3.500m3/ngày. Nhận chìm chất nạo vét theo hình thức xả đáy. Bùn nạo vét trên sà lan sẽ được kiểm tra thêm lần nữa trước khi xả đáy. Nếu có chất nổi đơn vị thi công phải sử dụng tấm hút hết váng nổi. Sau khi được kiểm tra (bằng cảm quan), nếu không có chất nổi, bùn nạo vét sẽ được xả đáy sà lan để nhận chìm.
Chất nạo vét sẽ được nhận chìm tại khu vực biển có tọa độ tâm là 16011’14,75” vĩ độ bắc và 108o17’20,75” kinh độ đông với diện tích không quá 25ha. Diện tích cụ thể được xem xét khi cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển. Tổng khối lượng chất nạo vét được nhận chìm không quá 381.988m3.
Nạo vét âu thuyền Thọ Quang nhằm nâng cao khả năng chứa tàu thuyền tránh bão, thoát lũ, giảm ngập úng qua hệ thống thoát nước và hồ điều hòa của thành phố Đà Nẵng.
UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư dự án có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quan trắc, giám sát chặt chẽ quá trình nhận chìm, chất lượng nước biển, đa dạng sinh học ở khu vực nhận chìm chất nạo vét và khu vực xung quanh, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trong giai đoạn lập hồ sơ cấp phép nhận chìm và giao khu vực biển với nguyên tắc là chủ đầu tư chịu trách nhiệm giám sát 24/24 giờ, đối với từng chuyến sà lan nhận chìm chất nạo vét; xác định tối thiểu 4 vị trí xung quanh vị trí nhận chìm, giám sát chất lượng nước biển và đa dạng sinh học…
Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư dự án thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, tài nguyên môi trường biển và hải đảo trong mọi hoạt động của dự án, bảo đảm không gây tác động xấu đến môi trường; bảo đảm tính chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, số liệu, đánh giá và các kết quả tính toán nêu trong hồ sơ ĐTM. Thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt bảo đảm đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường để không gây ô nhiễm trong giai đoạn thi công, hoạt động của dự án. Chỉ được phép nhận chìm chất nạo vét khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển, giao khu vực biển và thực hiện đầy đủ các quy định của phát luật có liên quan…
Nhật Hiên