Bắc Ninh: Các giải pháp xử lý chất thải y tế từ dịch COVID-19
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 17:00, 12/07/2022
Hơn 2 năm qua, lượng chất thải y tế phát sinh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trở thành gánh nặng của ngành Y tế Bắc Ninh. Chất thải y tế, đặc biệt là chất thải từ khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19,… luôn cần được xử lý đúng quy trình bởi chỉ cần nới lỏng sẽ trở thành nguồn phát tán, lây lan virus SARS-CoV-2. Tương tự, vấn đề quản lý chất thải trong tiêm chủng vắc - xin phòng COVID-19 cũng được triển khai nghiêm ngặt theo quy định nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người được tiêm và nhân viên y tế.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị đầu tiên điều trị bệnh nhân COVID-19 khi có những ca bệnh đầu tiên xâm nhập. Đây cũng là đơn vị tuyến cuối điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của tỉnh trong giai đoạn sau này - khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh và lan rộng trong cộng đồng. Khi phát sinh rác thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2, bệnh viện triển khai nghiêm các quy định về thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại.
Chất thải từ khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 là chất thải y tế nguy hại. Theo ông Nguyễn Hữu Côn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nếu công tác kiểm soát nhiễm khuẩn không được thực hiện tốt, đặc biệt là việc thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại như chất thải từ khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 không đúng quy trình sẽ dẫn đến nguy cơ lây bệnh trực tiếp cho cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà, những người trực tiếp làm dịch vụ thuê mướn ngoài như: vệ sinh, vệ sĩ, nhà ăn…
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc phân loại chất thải rắn được thực hiện từ các khoa. Những chất thải có thể xử lý, đốt tại lò thì tiến hành đốt trong ngày theo quy định, nếu chất thải không đốt được tại lò, đơn vị ký hợp đồng với công ty đủ năng lực về xử lý chất thải y tế để vận chuyển, xử lý theo quy định. Riêng đối với chất thải COVID-19, mỗi ngày 2 lần và khi cần, nhân viên công ty Cổ phần Kỹ thuật làm sạch và thương mại quốc tế (ICT) theo khung giờ quy định và lối đi riêng thực hiện vận chuyển đến lò đốt của bệnh viện bằng thùng rác màu vàng có lót 2 lần túi đựng rác màu vàng có ghi “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-COV-2”. Sau khi rác được đốt tại lò đốt, thùng rác được tẩy rửa bằng dung dịch Cloramin B theo quy định trước khi rửa lại bằng nước sạch.
Song song với việc triển khai nghiêm ngặt công tác quản lý chất thải tại các cơ sở y tế, ngành Y tế cũng tăng cường quản lý chất thải trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tại các điểm tiêm, rác thải được đơn vị tổ chức phân loại ngay tại bàn tiêm: Đối với kim tiêm, bơm tiêm liền kim sau khi sử dụng thải bỏ và các chất thải lây nhiễm sắc nhọn khác được bỏ vào hộp an toàn riêng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cấp; với bông, băng dính máu, khẩu trang, găng tay, trang phục bảo hộ cá nhân thải bỏ và các chất thải khác được bỏ vào túi trong thùng rác có nắp đậy màu vàng, có biểu tượng cảnh bảo chất thải có chứa chất gây bệnh… Vỏ lọ vắc-xin COVID-19 cũng được thu gom riêng và bàn giao toàn bộ các chất thải phát sinh trong quá trình tiêm chủng cho công ty dịch vụ có chuyên môn xử lý theo đúng quy định.
Tại tỉnh Bắc Ninh, theo tổng hợp thông tin quản lý chất thải y tế lây nhiễm do dịch COVID-19, tính đến cuối tháng 5/2022, từ các bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế huyện/thành phố, các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tại nhà, các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh đã phát sinh 963,783 tấn chất thải y tế. Đây là số lượng chất thải y tế được quản lý, trên thực tế, số chất thải phát sinh tại các gia đình có F0 thực hiện cách ly, điều trị tại nhà không thể tính toán, thống kê chính xác do ở giai đoạn cao điểm, có ngày toàn tỉnh ghi nhận đến hơn chục nghìn ca nhiễm, không ít trường hợp mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà nhưng không khai báo.
Theo Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong giai đoạn dịch COVID-19 phức tạp nhất, lò đốt chất thải rắn của Bệnh viện phải xử lý đến 200kg chất thải COVID-19 mỗi ngày. Khi đó, ICT phải điều động tăng gấp đôi, gấp ba số người phục vụ vận chuyển, lò đốt thường xuyên phải hoạt động với công suất tối đa.
Để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế do dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế Bắc Ninh đề xuất các giải pháp căn bản như: Tổ chức các khóa tập huấn, buổi tuyên truyền về việc phân loại các loại chất thải y tế do dịch COVID-19 đến cộng đồng để có thể phân loại triệt để được nguồn chất thải này, tránh lây nhiễm; thành lập các tổ quản lý chất thải và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế tại các khu vực có phát sinh…