Quảng Trị: Cấp bách các giải pháp phòng, chữa cháy rừng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:35, 25/05/2021
Tỉnh Quảng Trị có hơn 252.000 ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên trên 140.000 ha, còn lại là rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 50,1%. Mùa này là mùa cao điểm đốt nương làm rẫy của các địa bàn miền núi ở tỉnh Quảng Trị nên vấn đề phòng chống cháy rừng luôn được các ngành chức năng triển khai quyết liệt.
Bằng nhiều cách làm khác nhau, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho chính quyền cơ sở cũng như người dân, tỉnh Quảng Trị đã triển khai tập huấn phòng cháy chữa cháy từ tỉnh đến tận thôn bản, bên cạnh đó là tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để đồng bào dễ hiểu.
Tỉnh Quảng Trị cũng đưa vấn đề phòng chống cháy rừng để đánh giá xây dựng nông thôn mới và xếp loại cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Nhờ vậy, những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chưa có vụ cháy rừng lớn nào xảy ra. Tuy nhiên, tình hình cháy rừng vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy rất cần mọi người dân nâng cao ý thức hơn nữa trong phòng chống cháy rừng.
Ảnh minh họa
Theo đó, UBND tỉnh vừa yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng. Cụ thể, chính quyền các địa phương, đơn vị tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng; quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy, nghiêm cấm việc xử lý thực bì bằng cách đốt lửa trong thời kỳ cao điểm của mùa khô; kiểm soát chặt chẽ các đối tượng, phương tiện ra vào rừng mùa cao điểm nắng nóng và việc sử dụng lửa trong rừng
Đồng thời, tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống các vùng trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng để nắm bắt tình hình; tổ chức trực 24/24 giờ vào thời gian cao điểm nắng nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin về cháy rừng và thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm. Cùng đó, chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
Lực lượng công an, bộ đội sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ chữa cháy rừng. Cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng cháy để xảy ra cháy rừng.
Đặc biệt, với các địa phương, cần rà soát, điều chỉnh phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, củng cố các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng, rà soát trang thiết bị, phương tiện chữa cháy rừng, đảm bảo hoạt động tốt nhất khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Chỉ đạo các chủ rừng phải thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bên cạnh đó, chỉ đạo duy trì chế độ thường trực, bảo đảm thông tin thông suốt và kịp thời. Đẩy mạnh ứng dụng các thiết bị công nghệ cao trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào rừng tại các điểm có nguy cơ cháy cao. Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có lệnh điều động, triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.
Trước đó, để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Bộ và các địa phương xây dựng dự án “Tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2025”.
Minh Châu