Nghi Sơn (Thanh Hóa): Cá “lại” chết trên sông Lạch Bạng, nước mắt người nông dân còn rơi đến bao giờ?

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 11:57, 12/07/2022

Hết năm này đến năm khác các hộ nuôi cá lồng trên sông Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) phải gánh chịu thảm cảnh cá chết hàng loạt, khiến kinh tế điêu đứng, cuộc sống kiệt quệ. Lạch Bạng - Dòng sông trong xanh, từng là nơi trú ngụ của biết bao loài thủy hải sản, giờ đang đứng trước nguy cơ trở thành “dòng sông chết”…
VIDEO: Nghi Sơn (Thanh Hóa): Doanh nghiệp vô tư xả thải, cá lại chết hàng loạt trên sông Lạch Bạng

Cá chết liên tục!

Sáng ngày 08/7/2022, Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nhận được phản ánh từ người dân phường Hải Bình (Nghi Sơn, Thanh Hóa) về việc xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Lạch Bạng. Sau khi xác minh thông tin, phóng viên (PV) đã tìm về địa phương để ghi nhận thực tế.

0.jpg
Sáng ngày 08/7/2022, cá mú nuôi trong các lồng trên sông Lạch Bạng của gia đình ông Nguyễn Văn Tính bị chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Văn Tính, khu phố Liên Đình, phường Hải Bình – chủ hộ nuôi cá mú trên sông Lạch Bạng cho biết: “Rạng sáng ngày 08/7/2022, khi đi kiểm tra các lồng cá của gia đình, tôi phát hiện cá có dấu hiệu thiếu oxy, nằm ngửa, chết nổi trên mặt nước; đầu tiên chỉ có một vài con, tôi liên tục sục oxy để cứu vãn nhưng không ăn thua, càng về sau, số cá chết lại cứ tăng lên theo cấp số nhân, tôi ước tính phải lên đến 6, 7 tạ. Sợ nhất là những ngày tiếp theo, số cá còn lại của gia đình sẽ không giữ được. Năm nào cũng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt nên tôi bất an lắm!”.

anh-2-2-(1).jpg
Mấy năm trở lại đây, cá nuôi lồng nhà ông Nguyễn Văn Tính liên tục bị chết, kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ.

Nỗi bất an của ông Tính không phải là không có cơ sở khi cũng chính vào khoảng thời gian này cách đây 1 năm, ông đã chứng kiến đàn cá của gia đình mình chết hàng loạt, số lượng nhiều hơn lần này tới hàng chục lần. Ông Tính kể: “Từ ngày 19/7 đến 16/8/2021, cá lồng của gia đình tôi chết ít nhất 3 đợt, với khoảng hơn 10 tấn với đủ các loại cá mú, cá hồng mỹ, cá vược, cá sủ. Những lúc phát hiện cá ngạt, nổi lên mặt nước, tôi mở hệ thống sục lên để tiếp oxy nhưng cũng không ăn thua. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, gia đình tôi thiệt hại gần 1 tỉ đồng”. Cùng thời gian đó, ngoài gia đình ông Tính, còn có hộ gia đình ông Cao Văn Bốn (58 tuổi, ngụ phường Hải Bình, TX. Nghi Sơn) cũng trong tình trạng tương tự. Hàng chục lồng cá của gia đình ông qua 2 đợt chết vào cuối tháng 7/2021, chỉ còn lồng không, nằm trơ trọi giữa dòng sông đang bốc mùi hôi thối…

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt, ông Tính tỏ rõ sự bức xúc: “Tôi nuôi cá lồng trên sông Lạch Bạng tính đến thời điểm hiện tại cũng đã gần 9 năm. Những năm đầu thì cho thu nhập tốt, nhưng mấy năm gần đây thì khó khăn thấy rõ, cá năm nào cũng chết hàng loạt. Nguyên nhân cũng bởi do nước sông ô nhiễm từ quá trình sản xuất của các nhà máy, các cơ sở chế biến hải sản, nước thải sinh hoạt…”

Nguồn nước của sông Lạch Bạng có phải tác nhân chính gây ra cảnh cá chết hàng loạt của gia đình ông Tính và các hộ dân nuôi cá lồng trên sông Lạch Bạng khác hay không, PV không thể khẳng định, nhưng nghi vấn thì hoàn toàn có cơ sở. Về vấn đề này, ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình, cũng có chung quan điểm: “Vấn đề cá lồng nhà ông Tính bị chết hàng loạt địa phương đã nắm được và đã cử cán bộ xuống nắm tình hình. Qua những phân tích ban đầu, địa phương xác định cá chết do nguồn nước”.

anh-3-2-(1).jpg
Một đường ống dẫn nước thải trực tiếp ra sông Lạch Bạng bắt nguồn từ hướng Công ty Ngọc Sơn.

Thực tế, đợt cá chết trên sông Lạch Bạng vào tháng 7/2021, theo báo cáo của Viện Nuôi trồng thủy sản 1 cũng đã khẳng định: “Hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Lạch Bạng đoạn chảy qua địa bàn phường Xuân Lâm (thị xã Nghi Sơn) mới đây không phải do dịch, bệnh”.

Qua ghi nhận thực tế, bằng trực quan PV thấy, nước sông có màu đục, nhiều thời điểm đổi màu xẫm, mùi nước tanh hôi, nồng nặc… Trước đó, theo báo cáo của Viện Nuôi trồng thủy sản 1 đối với kết quả phân tích mẫu nước trên sông Lạch Bạng vào tháng 7/2021, hàm lượng N-NH/cao vượt 1,04-1,52 lần và hàm lượng TSS cao từ 1,46-1,48 lần so với QVCN thì ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nuôi, như: Ức chế sự sinh trưởng, giảm sức đề kháng, gây stress cho cá.

Khi được PV đặt câu hỏi về mức độ ô nhiễm của sông Lạch Bạng, đa số người dân trên địa bàn phường Hải Bình đều có chung một câu trả lời: “So với khoảng 10 năm trở về trước thì nước sông Lạch Bạng của hiện tại đã bị ô nhiễm hơn nhiều, nguồn thủy sản, sinh vật tồn tại trên sông cũng ít dần đi, cứ đà này sẽ chẳng con gì có thể sống được”.

Một người dân ở khu phố Liên Đình, phường Hải Bình, than thở: “Ngày trước, cá tôm các loại nhiều, cứ chiều đến là nhiều người vác cần ra bờ sông câu cá tự nhiên. Nhiều người, nhiều gia đình còn sống bằng nghề đánh bắt hải sản tự nhiên ở sông, vì hồi đó hàu, tôm, cá, ghẹ… nhiều lắm. Khoảng 4 năm nay, hải sản tự nhiên rất ít, và hầu như không ai còn mưu sinh được bằng nghề đó nữa. Ô nhiễm nguồn nước có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như từ tàu thuyền ra vào cảng, rồi các hoạt động ở cảng cá xả thải, nước thải sinh hoạt, nước thải từ các nhà máy.... ô nhiễm môi trường nước sông Lạch Bạng đang ở mức báo động”.

Doanh nghiệp vẫn vô tư xả thải

Thời điểm PV về tác nghiệp ở sông Lạch Bạng đã phát hiện một đường ống đang xả thải ra sông, nguồn nước này có màu đục ngàu, mùi hăng nồng nặc, đặc biệt, nước thải xả ra đến đâu khói bốc lên đến đó, chứng tỏ nước thải thời điểm đó phải ở nhiệt độ rất cao. Qua quan sát, hệ thống xả thải bắt nguồn từ phía Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn (Công ty Ngọc Sơn). Và cũng thật trùng hợp, cùng thời gian phát hiện nước thải, ở khu vực gần sông Lạch Bạng chỉ có mình Công ty Ngọc Sơn đang hoạt động với những cột khói đen ngòm, bay nghi ngút, khét lẹt (Công ty CP Sông Việt Thanh Hóa và Công ty CP Thương mại vận tải & Chế biến hải sản Long Hải đều tạm dừng vì hết nguyên liệu chế biến).

anh-4-2-(1).jpg
Nước thải có màu đục, mùi hôi nồng nặc, và có nhiệt độ rất cao.

Được biết, sau vụ cá chết hàng loạt trên sông Lạch Bạng năm ngoái khoảng 2 tháng, Công ty Ngọc Sơn đã từng bị xử phạt hành chính với số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên. Cụ thể, đơn vị này đã bơm xả nước thải từ bể chứa 3 ngăn ra sông Lạch Bạng, lưu lượng thải là 11 m3/ngày đêm. Theo kết quả phân tích mẫu chất lượng nước thải cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép.

Với hành vi vi phạm hành chính nêu trên, Công ty Ngọc Sơn bị phạt 210 triệu đồng. Đồng thời phạt thêm 50% của mức phạt tiền cao nhất đã chọn đối với mỗi thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên; 40% của mức phạt tiền cao nhất đã chọn đối với thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 5 đến dưới 10 lần; 30% của mức phạt tiền cao nhất đã chọn đối với thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 3 đến dưới 5 lần.

anh-5-2-(1).jpg
Nước thải đen ngòm, nổi váng, bốc mùi hôi thối được xác định cạnh Công ty Ngọc Sơn.

Tổng số tiền phạt đối với Công ty Ngọc Sơn là 882 triệu đồng. Buộc Công ty Ngọc Sơn phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, rà soát, đầu tư đầy đủ các công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định. Mọi chi phí thi hành biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, kinh phí phân tích mẫu nước thải do công ty chi trả.

Phải chăng, Công ty Ngọc Sơn vẫn “chứng nào tật nấy”, cố tình xem nhẹ, chống đối những chỉ đạo, răn đe từ phía chính quyền để tiếp tục gây những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường?

anh-6-3-(1).jpg

Có hay không việc Công ty Ngọc Sơn vẫn ầm thầm xả nước thải chưa được xử lý ra môi trường? Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt hết năm này qua năm khác trên sông Lạch Bạng? Câu trả lời là của các cơ quan chức năng. PV chỉ nhắc lại quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa: “Thanh Hóa không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”.

Nguyễn Trường – Sơn Hà