Phân loại rác tại nguồn: Sự phối hợp giữa người dân với cơ quan chức năng là quan trọng
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 14:30, 14/07/2022
Từ ngày 25/8 tới, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đây là một phần của nội dung Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, nhằm thực thi Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi.
Theo Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM), trước Nghị định 45/2022, chúng ta từng có quy định xử phạt hành vi xả, để rác không đúng nơi quy định nhưng ít người bị phạt hoặc phạt không hiệu quả (mức phạt lên tới 20 triệu đồng). Quy định trên là cần thiết nhưng khó thực hiện khi không có những bước chuẩn bị, hướng dẫn, kế hoạch cụ thể.
Để thi hành Nghị định 45/2022 tốt, cần chuẩn bị kỹ các phương án, cả cho người dân lẫn cơ quan chức năng, bao gồm việc tuyên truyền, kiểm tra những vấn đề tồn tại trong thời gian qua. Việc tuyên truyền đòi hỏi sinh động, người dân phải thấy rõ họ có nghĩa vụ và quyền lợi khi phân loại rác tại nguồn ra sao; quyền lợi trực tiếp, gián tiếp, lâu dài, ngắn hạn thế nào? Và chúng ta có đủ công cụ, nhân lực thu gom, phân loại chưa?
Trên địa bàn TP HCM đang không đủ thùng chứa rác cho các khu dân cư. Nhiều tuyến đường cũng không có thùng rác và người dân phải tận dụng ky, rổ, thùng xốp để trước nhà gây nhếch nhác. Điều này cơ quan chức năng cũng cần tính đến để có sự bố trí, hỗ trợ phù hợp.
Đồng thời, các chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP HCM trong những năm gần đây vẫn chưa như mong đợi do chưa được triển khai đồng bộ, người dân chưa ý thức về việc phân loại, hệ thống thu gom còn nhiều bất cập, như phương tiện thu gom không bảo đảm, thiếu phương án tổ chức thu gom rác sau phân loại phù hợp… Vì vậy, sự phối hợp giữa người dân với cơ quan chức năng trong cung cấp kiến thức, chuẩn bị phương tiện… là yếu tố quan trọng. Bởi dân phải hiểu, phải tin, phải hành động thì mới có hiệu quả.
Các nhà làm luật đã cân nhắc rất kỹ khi soạn ra các quy định trên dù thực tế vẫn chưa được áp dụng triệt để. Bởi nếu ngay lập tức áp dụng và xử phạt thì sẽ gây ra nhiều sự xáo trộn. Do đó, từng địa phương phải có kế hoạch áp dụng cụ thể.
Mục đích cuối cùng của việc đưa ra chế tài cho việc phân loại rác thải là tạo thói quen cho người dân và để điều đó trở thành hiện thực thì quan trọng nhất là thời gian. Nếu gay gắt trong khâu xử phạt, chính quyền chắc chắn sẽ nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi đa số người dân vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác.
ThS - kỹ sư kỹ thuật môi trường Nguyễn Hữu Khiêm chia sẻ, những năm trở lại đây, xử lý rác thải luôn là bài toán đau đầu của các cơ quan công quyền khi có hàng chục ngàn tấn rác thải ra môi trường mỗi ngày. Trong bối cảnh ấy, cần áp dụng chế tài về phân loại rác thải.
Trước đây, nhà nước ban hành quy định đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy, kèm theo là xử phạt nghiêm và có những chính sách hỗ trợ người dân mua mũ bảo hiểm thì đến nay việc tự giác đã đi vào cuộc sống. Với quy định về phân loại rác cũng thế, ngoài biện pháp chế tài và nghiêm túc thực hiện, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên cũng như các công cụ quản lý.
Từng có thời gian công tác ở Nhật Bản, tôi hiểu không phải hầu hết người dân đều có ý thức bỏ rác đúng chỗ. Trên đường phố Nhật Bản ít đặt thùng rác nhưng người dân vẫn tự ý thức mang về nhà vì nơi đây dày đặc camera và xử phạt nặng. Đồng thời, nếu ai phát hiện hành vi vứt rác bừa bãi chỉ cần báo với lực lượng chức năng, người tố giác sẽ được lĩnh phần tiền xử phạt đó.
Tôi cho rằng việc khuyến khích dường như không có nhiều tác dụng. Ý thức phân loại rác ở mỗi người có một nguyên nhân là sợ đóng phạt nên khi hành vi tuân thủ được lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ trở thành thói quen.
Một phần nguyên nhân nữa là người dân chưa thấy được cái lợi khi phân loại và cái hại nếu không phân loại. Cơ quan quản lý có thể sử dụng các công cụ truyền thông để dân thấy rằng rác thực phẩm có thể trở thành phân bón, thức ăn cho gia súc và khi rác không được xử lý đúng sẽ gây hại cho môi trường như thế nào.
Theo tôi, nên chia rác thành 2 thay vì 3 loại, việc đặt 3 thùng rác gây tốn diện tích, bất tiện trong sinh hoạt và khó cho người dân trong việc phân loại rác. Đồng thời, chúng ta cũng đang hướng đến xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế thay vì chôn lấp thì điều này là cần thiết.
Ông Trần Văn Tám (huyện Củ Chi, TP HCM) có nhiều trăn trở về phương tiện thu gom. Theo ông, người dân ở huyện Củ Chi, TP HCM bây giờ hầu như ai biết cũng phân loại rác trước khi bỏ vào thùng. Riêng các trường học, lãnh đạo nhà trường luôn yêu cầu lồng ghép giáo dục môi trường vào các tiết sinh hoạt ngoại khóa, dạy môn đạo đức và những buổi sinh hoạt dưới cờ. Ban giám hiệu nhà trường trang bị mỗi lớp một thùng đựng rác có nắp đậy. Cuối giờ chiều sẽ có nhân viên lao công tới gom rác chờ đội vệ sinh công cộng của huyện mang xe chở đi xử lý.
Tập cho học sinh biết phân biệt thế nào là rác sinh hoạt, rác tái chế và rác độc hại thì dễ, giáo viên giải thích hoặc cho xem tranh minh họa thì học sinh biết ngay và thực hiện tốt. Tuy vậy, điều nghịch lý là dù các em phân loại chính xác, người dân cũng thế thì theo tôi quan sát, các thùng chứa rác đã phân loại cuối cùng cũng được nhân viên vệ sinh thu gom quăng lên nằm chung xe tải mà thôi.