Bắc Bộ và Trung Bộ đón đợt nắng nóng gay gắt

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:00, 16/07/2022

Ngày 16/7, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng cục bộ, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều có chỉ số UV cực đạt ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao.
nang-nong.jpg
Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 16/7, ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng cục bộ.
Từ ngày 17 đến 19/7, nắng nóng có khả năng xảy ra diện rộng ở Bắc Bộ; từ ngày 17-20/7 xảy ra ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.

Khu vực Hà Nội có nắng nóng cục bộ; từ ngày 17-19/7 có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ.

Trong ngày 16/7, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đều có chỉ số UV cực đạt ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (8-9.4). Trong ba ngày tiếp theo chỉ số UV cực đại

các tỉnh trên cả nước ít thay đổi và đề ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (8-10).

Theo các chuyên gia, tia cực tím là loại tia mà con người vẫn gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tia cực tím nằm trong ánh sáng mặt trời, bất cứ lúc nào có ánh sáng mặt trời là đều có tia cực tím và chỉ khác nhau về bước sóng. Chống tia cực tím không chỉ đơn thuần là chống nắng hàng ngày vì trong ánh nắng mặt trời chỉ có 10% là tia cực tím. Vào những ngày mưa hoặc nhiều mây, tia cực tím vẫn hoạt động âm thầm, có thể xuyên qua mây mù và gây ra các tổn thương da...

Các bác sỹ khuyến cáo, người dân nên áp dụng các cách phòng tránh để cơ thể giảm mức ảnh hưởng từ tia cực tím, đặc biệt trong thời gian cao điểm từ 11-14 giờ. Khi ra đường, người dân cần mặc quần áo bảo hộ, dùng mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai; đeo kính râm để bảo vệ mắt, lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia cực tím từ 99 - 100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh; sử dụng kem chống nắng đều đặn, ngay cả khi trời nhiều mây, đặc biệt chú ý hơn trong khung giờ bức xạ tia cực tím gây hại cao nhất.

Minh Lâm