Lợi ích của việc phân loại rác tại gia đình
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 20:00, 17/07/2022
Phân loại rác thải là sự lựa chọn cấp thiết cho mỗi gia đình. Bởi rác thải chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ như: Mất diện tích chôn lấp rác, gây ô nhiễm môi trường…
Các nguồn nhiên liệu có thể tái chế như: Rác hữu cơ, giấy, kim loại, nhựa… cũng bị chôn cùng mà theo tính toán của các nhà nghiên cứu phải mất hàng trăm năm rác thải đó mới phân huỷ được. Việc phân loại tái chế không chỉ có ý nghĩa bảo vệ môi trường mà tạo ra lợi ích kinh tế. Đặc biệt là lượng rác hữu cơ có trong rác thải sinh hoạt theo ước tính rác thải hữu cơ chiếm từ 50% đến 70%. Đây dự kiến sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc sản xuát phân vi sinh rất tốt cho cây trồng và môi trường sống.
Rác thải hiện nay chưa được các gia đình quan tâm và xử lý. Hầu hết mọi người đều có suy nghĩ thứ gì không dùng được đều là đồ bỏ đi. Nhiều gia đình cho rằng việc phân loại rác đến từ đơn vị thu gom rác thải. Tuy nhiên, số lượng trăm tấn rác một ngày việc phân loại là điều không tưởng.
Vì sao cần phân loại rác tại gia đình?
Phân loại rác tại nhà tuy không phải là việc to lớn gì, nhưng nếu mỗi người có ý thức phân chia rác trước khi vứt bỏ. hành động phân loại rác tuy nhỏ lại đem đến lợi ích lâu dài cho môi trường và cuộc sống của mỗi chúng ta.
Việc chia rác trước khi đem vứt góp phần giảm đi sự ô nhiễm môi trường, tiết kiệm thêm nhiều khoản chi phí khác như thu gom, vận chuyển và xử lý.
Phân loại rác tại nhà còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tái chế rác thải phục vụ cho cuộc sống của mỗi chúng ta.
Cần xây dựng ý thức phân loại rác và để rác đúng nơi quy định của mỗi người đã giúp giảm đi lượng lớn rác thải rắn và mùi thải ra môi trường, mang lại kinh tế lớn từ các loại rác thải có thể tái chế được.
Khi phân loại rác bạn đã góp phần tiết kiệm thời gian phân loại và xử lý rác tái chế mang lại lợi ích lớn từ việc tận dụng nguồn chất thải đó trong công cuộc tái chế tạo ra sản phẩm mới, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và cực kỳ thân thiện tới môi trường.
Việc các gia đình xây dựng cho mình một ý thức tự giác phân loại giác trước khi đem vứt là một hành động nhỏ đem lại ý nghĩa lớn đến môi trường và cuộc sống của chính chúng ta.
Phong trào phân loại rác tại các gia đình đã được nhiều địa phương trên cả nước tuyên truyền và đi vào thực hiện và đạt được nhiều kết quả tốt.
Chị Nguyễn Thị Ánh (thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội), một trong những hộ tiên phong tham gia mô hình, đến nay chị đã thực hiện thành công việc phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình. Chia sẻ về câu chuyện phân loại, xử lý rác tại nhà, chị Ánh cho biết: “Thời gian đầu triển khai, mặc dù đã được hướng dẫn nhưng do thiếu kinh nghiệm, quá trình ủ rác hữu cơ gặp khó khăn, phân bón bị ướt. Sau vài lần thực hiện, tôi đã làm thành công, đến nay rác sau khi xử lý thu được lượng phân bón tơi xốp, vừa phục vụ trồng trọt, vừa giúp gia đình tiết kiệm chi phí mua phân hoá học, đồng thời giảm tối đa lượng rác thải ra môi trường. Việc thực hiện phân loại và xử lý rác tại nhà là rất cần thiết”.
Nhận thấy lợi ích của việc phân loại, xử lý rác tại nhà, không chỉ thực hiện tại gia đình chị Ánh tham gia tuyên truyền tới từng hộ gia đình trong thôn. Chị “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn các chị em hội viên phụ nữ cùng tham gia, vận động, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của thôn, ngoài ra còn dành thời gian đi kiểm tra tiến độ của từng hộ gia đình, sau đó mọi người cùng thảo luận, trao đổi chia sẻ những khó khăn vướng mắc để cùng nhau giải quyết và rút kinh nghiệm. Trong hành trình lan tỏa đó, chị Ánh cùng với các thành viên trong nhóm gặp nhiều khó khăn khi bà con từ chối phân loại rác. Không dừng lại ở đó, với sự nhiệt tình, trách nhiệm, chị Ánh và nhóm nòng cốt vẫn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân từng bước trong công đoạn ủ rác, đồng hành cùng họ những lúc khó khăn và động viên mỗi khi người dân nản lòng.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Như Liên (SN 1958, thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thường gom chung tất cả các loại rác trong nhà và cho vào túi ni-lon rồi vứt ra góc vườn hoặc tường rào chờ người tới thu gom. Có thời điểm, rác thải sau nhiều ngày mà vẫn không có người mang đi xử lý nên bốc mùi hôi thối, gây khó chịu cho mọi người trong nhà.
Từ sự hỗ trợ của Sở TN&MT Hà Tĩnh và chính quyền địa phương, gia đình ông Liên cùng nhiều hộ dân khác trong thôn đã tham gia mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn, ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh, nhờ thế mà cách ứng xử với rác thải đã có nhiều thay đổi.
“Sau khi tập huấn quá trình phân loại xử lý rác, gia đình được phát các thùng (giỏ) để chứa rác thải vô cơ, hữu cơ và rác tái chế, đồng thời được hỗ trợ xây dựng hố xử lý rác hữu cơ” - ông Nguyễn Như Liên cho hay.
Ông Vũ Ngọc Dinh, ở thôn Kim Phương, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ, Hưng Yên chia sẻ : “Phân loại rác thải rất có tác dụng với gia đình tôi, nhà có vỏ cam, vỏ quýt… tôi cho vào thùng đổ ra ruộng làm phân bón vừa bảo vệ môi trường vừa tốt cho cây, dân làng tôi rất thích, chúng tôi đã làm phân bón hữu cơ và đã thu được kết quả rất đáng kể”.
Phân loại rác tại gia đình sao cho đúng cách
Trước khi phân loại rác bạn cần nắm được cách phân chia rác thành các loại khác nhau.
Rác hữu cơ dễ phân huỷ là các loại rác có thể tự phân huỷ hoặc phân huỷ dễ dàng. Chúng còn được người ta đem vào áp dụng công nghệ chế phân vi sinh, làm phân bón cho cây và làm thức ăn cho động vật. Loại rác này có nguồn gốc từ các loại thực phẩm thừa trong quá trình sử dụng của con người như: thức ăn thừa, rau củ quả hỏng, cá thịt bị ươn…
Rác thải tái chế là loại rác tuy bị xếp nhóm khó phân huỷ nhưng nó lại được đem vào tái chế thành các sản phẩm khác. Những loại rác tái chế thường là chất vô cơ ví dụ như: lõi giấy, bìa, vỏ lon, chai nhựa, các dụng cụ gia đình…
Rác thải vô cơ không tái chế được là loại rác khi thải không còn dùng được nữa bắt buộc phải xử lý phân loại theo các cách khác nhau như chôn lấp hoặc đốt. Nguồn gốc của các loại rác vô cơ này thường đến từ chất thải của vật liệu xây dựng, vỏ hộp không tái chế được ví dụ như: túi nilon, đĩa CD, đồ da, cao su..
Phần lớn ở nước ta hiện nay, mọi người chưa có ý thức phân loại rác thường gom chung vào một túi hoặc bao rồi đem đi bỏ. Điều đó vô hình chung gây ảnh hưởng đến quá trình xử lý và phân loại rác làm mất thời gian xử lý các chất thải gây ra ô nhiễm môi trường.
Các phương pháp xử lý rác sau khi phân loại
Sau khi phân loại người ta sẽ áp dụng một trong số cách xử lý sau:
Phương pháp chôn lấp, đây là phương pháp phổ biến nhất ở Viêt Nam. Các lọai rác thải sẽ chôn theo từng lớp, đầm nén để giảm diện tích. Sau mỗi lớp người ta sẽ phủ thêm một lớp đất để hạn chế côn trùng và mùi hôi. Những bãi chôn lấp rác phải đáp ứng theo hạng mục TCVN 261- 2001 về xử lý nước rỉ từ rác, có hệ thống thu nước rỉ của rác, hệ thống thu khí, có hệ thống giao thông, cây xanh ngăn cách. Ưu điểm của phương pháp này là chi phí xử lý rẻ, nhưng phương pháp này có nhược điểm là phát sinh mùi hôi, rỉ từ rác, có thêm nhiều côn trùng gây hại như ruồi muỗi, chuột…
Phương pháp đốt, đây là phương pháp dùng nhiệt đô cao sau khi đã được phân loại rác thải đúng cách, sau đó chuyển hoá chúng thành tro và các chất khí mang lại hiệu quả cao. Ưu điểm giảm đi thể tích rác đáng kể nhưng nhược điểm chi phí đầu tư và xử lý khá cao.
Phương pháp tái chế, đây là phương pháp được ứng dụng nhiều nhất ở nước ta. Tuỳ vào đặc điểm của rác đưa ra các cách xử lý khác nhau. Sau khi phân loại rác tại gia hoặc nhà máy dựa trên tính chất của chúng mà tái chế thành các vật phẩm hoặc phân bón cho cây trồng.