Vấn đề PCCC trong hoạt động xây dựng: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 14:57, 18/07/2022

Nguyên nhân các vụ cháy không chỉ do chính người dân mà cả từ những bất cập trong công tác quy hoạch; thiếu thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình. Khi thiết kế các công trình cần tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn lắp đặt các thiết bị báo cháy cũng như PCCC để bảo đảm an toàn về người và tài sản, đồng thời giảm thiểu những tác động đến môi trường từ những sự cố cháy nổ.

Cháy nổ trong khu vực dân cư diễn biến phức tạp

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình cháy nổ giảm cả 2 tiêu chí là số vụ và thiệt hại về người, so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, các vụ cháy nổ tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh chiếm số lượng lớn (395 vụ, chiếm 46,75% tổng số vụ cháy) và cháy tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (156 vụ, chiếm 18,46% tổng số vụ cháy).

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 28 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người làm chết 38 người, bị thương 6 người. Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa nhanh, nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, kho tàng có mặt hàng dễ cháy, như Hà Nội 5 vụ, Đồng Nai 4 vụ, TP. Hồ Chí Minh 3 vụ.

chay-chung-cu.jpg
Cháy nổ trong khu vực dân cư diễn biến phức tạp

Theo Bộ Công an, hiện nay tình trạng vi phạm quy định về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển mua bán, quản lý chất cháy và vi phạm về công tác phòng cháy, chữa cháy xảy ra nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu hoặc thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; tự ý thay đổi công năng, tính chất sử dụng so với thiết kế được duyệt, dẫn đến khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Mặc dù các hành vi vi phạm trên đã được cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động nhưng vẫn có xu hướng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp.

Quy định PCCC trong xây dựng cần tuân thủ

Những vụ cháy công trình cao tầng xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, để lại hệ luỵ và lo ngại bất ổn về công trình cao tầng trong dư luận nhân dân và xã hội, trao đổi với PV Moitruong.net.vn, ông Lê Minh Long – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng cho biết, theo pháp luật về xây dựng, để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng (quy định tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP) việc thiết kế phải đảm bảo các yêu cầu chung sau:

Phù hợp với quy hoạch xây dựng, cảnh quan, điều kiện tự nhiên và các quy định về kiến trúc;

Phù hợp với yêu cầu của từng bước thiết kế, thoả mãn yêu cầu về chức năng sử dụng; bảo đảm mỹ quan, giá thành hợp lý;

Nền móng công trình phải bảo đảm bền vững, không bị lún nứt, biến dạng quá giới hạn cho phép làm ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình, các công trình lân cận;

Phù hợp công nghệ trong trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình có thiết kế công nghệ;

Phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng được áp dụng; các tiêu chuẩn về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và những tiêu chuẩn liên quan; đối với những công trình công cộng phải bảo đảm thiết kế theo tiêu chuẩn cho người tàn tật;

An toàn cho người khi xảy ra sự cố; điều kiện an toàn, thuận lợi, hiệu quá cho hoạt động chữa cháy, cứu nạn; bảo đảm khoảng cách giữa các công trình, sử dụng các vật liệu, trang thiết bị chống cháy để hạn chế tác hại của đám cháy đối với các công trình lân cận và môi trường xung quanh;

Đảm bảo các điều kiện tiện nghi, vệ sinh, sức khoẻ cho người sử dụng;

Khai thác tối đa thuận lợi và hạn chế bất lợi của thiên nhiên nhằm bảo đảm tiết kiệm năng lượng.

Đánh giá thực trạng hạ tầng đô thị, kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác PCCC còn nhiều bất cập, ông Lê Minh Long cho rằng, các đồ án quy hoạch xây dựng, đương nhiên phải tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và các quy định có liên quan thì mới được phê duyệt. Tuy nhiên, có hai vấn đề nhìn nhận thấy trong các đô thị như sau:

Thứ nhất, hiện tượng lấn chiếm ví dụ như tại các khu nhà ở cũ Kim Liên, Trung Tự ... khoảng cách giữa các tòa nhà trong các khu ở cũ là rất lớn. Tuy nhiên, hiện tượng lấn chiếm đã không còn chỗ cho xe chữa cháy tiếp cận, chuồng cọp bịt các lối thoát nạn.

Thứ hai, hiện tượng đô thị hóa tự phát trong các thời kỳ (xây dựng tại các khu làng ven đô cũ) không đảm bảo theo yêu cầu của quy hoạch. Việc này từng bước phải được giải quyết và rất cần sự đồng lòng của các cơ quan chức năng và người dân.

chay-chung-cu-1.jpg
Vụ cháy chung cư Carina năm 2018 làm 13 người tử vong, 60 người bị thương.

Bên cạnh đó, các địa phương phải nhanh chóng hoàn thành mạng lưới cấp nước PCCC cho đô thị theo yêu cầu của quy chuẩn, trả lại nguyên trạng các đường giao thông cho xe chữa cháy hoạt động.

Đề cập đến vấn đề một số chủ đầu tư dự án, công trình chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, như tự ý thay đổi công năng công trình không phù hợp với hồ sơ thẩm duyệt thiết kế PCCC và Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cơ quan chức năng phê duyệt, không đúng với giấy phép xây dựng được cấp gây ra những nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ.

Ông Long cho biết, theo quy định hiện hành thì những công trình này sẽ không được cơ quan chức năng cho phép đưa vào sử dụng cho đến khi công trình hoàn thành thi công đúng với hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.

Nhận định về việc hiện nay nhiều tòa nhà chung cư, lối thoát nạn đã bị bịt để sử dụng những mục đích khác nhau, dẫn đến khi có cháy, nổ xảy ra việc thoát nạn của người dân gặp nhiều khó khăn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của họ.

“Về vấn đề này, trong thời gian tới, sẽ phải kiên quyết trả lại đúng hiện trạng ban đầu của công trình. Đây là trách nhiệm, quyền lợi của tất cả mọi người, đặc biệt những người đang sinh sống trong các tòa nhà chung cư. Ngoài ra, trong các nhà ở riêng lẻ, đối với những căn nhà có lối thoát nạn thứ hai là ban công cũng cần phải lưu ý không được bịt kín, hay bị che lấp bởi rào chắn, chuồng cọp, biển quảng cáo”, ông Long nêu rõ.

Hiểm họa cháy nổ là nguy cơ tiềm ẩn ở tất cả mọi nơi, đặc biệt khi công trình xây dựng cao tầng là xu thế tất yếu tại các đô thị lớn. Việc nâng cao nhận thức người dân để hạn chế các vụ cháy trong khu dân cư, nhà ở kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn về người và tài sản, đồng thời giảm thiểu những tác động đến môi trường từ những sự cố cháy nổ là vấn đề hết sức quan trọng.

Ông Long cho rằng, tại các khu ở, tại các phường, tổ dân phố cần tuyên truyền phổ biến thường xuyên, nâng cao ý thức của người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật và ý thức sử dụng nhà ở, sinh hoạt để bảo vệ tài sản tính mạng của bản thân, gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, tại các công trình xây dựng nhà công cộng, nhà chung cư người dân phải tuân thủ đúng nội quy của tòa nhà trong đó có công tác PCCC và bảo vệ môi trường.

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cháy nổ ảnh hưởng đến tài sản, nhưng nhiều người không quan tâm cháy nổ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh như thế nào.

Nhà dân xây rất gần nhau tại các thành phố lớn, khu đô thị, khi cháy nổ xảy ra thiếu oxy, cháy nổ còn tạo ra luồng bụi mịn, theo gió lan ra làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực xảy ra vụ cháy và môi trường cách đó 200-300-500m cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, khi hỏa hoạn xảy ra còn sinh ra luồng bụi mịn theo đường gió ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Do đó, nhiều người bị ngạt, chất lượng môi trường thay đổi nhiều, nguồn sinh vật chết cháy là những hậu quả khi cháy nổ xảy ra. Điều nữa là chúng ta phải dùng nước để dập cháy, nước này sẽ trở thành nước ô nhiễm, nguồn nước này sẽ chảy về ao, hồ… nguồn nước này ảnh hưởng đến nguồn sinh vật dưới hồ, nên ảnh hưởng đến môi trường nước lân cận. Các mùn thải từ vụ cháy cũng ảnh hưởng đến môi trường. Cũng tùy theo đối tượng, vật liệu cháy để lại hậu quả cháy khác nhau.

Mai Dung