Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa và nỗ lực giảm thiểu của Việt Nam

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 15:00, 20/07/2022

Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa từ lâu đã luôn là vấn đề cấp bách trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều chính sách đã được các nước đưa ra nhằm hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và cấm túi nhựa.

Rác thải nhựa - Mối nguy với môi trường

Đã từ lâu, rác thải nhựa vẫn luôn là mối lo ngại tới sức khỏe con người lẫn môi trường. Hằng năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, phần lớn trong số đó là có túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

rac-thai-nhua-1-.jpg
Rác thải nhựa dùng một lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác

Rác thải nhựa dùng một lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất khó phân hủy. Ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy qua đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật,…

Các sản phẩm nhựa có mối liên hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, bởi vậy việc khai thác và vận chuyển nhiên liệu hóa thạch giải phóng carbon vào khí quyển, làm trầm trọng thêm sự ấm lên trên toàn cầu.

Tại Mỹ, ngày 13/7, chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện những bước đầu tiên nhắm hạn chế nhựa sử dụng một lần trong hoạt động mua sắm liên bang sau áp lực từ các tổ chức bảo vệ môi trường. Trong thông báo mới nhất của Cơ quan Dịch vụ công Hoa Kỳ (GSA), họ cho biết :”Với việc nhựa sử dụng một lần đang là nguyên nhân góp phần quan trọng vào mối lo ô nhiễm nhựa trên toàn cầu, chúng tôi đang xem xét các ý kiến của công chúng để cân nhắc vấn đề hạn chế loại rác thải này.”

Nhiều công dân các quốc gia đã nhận thức vấn đề bảo vệ môi trường đồng nghĩa với việc bảo vệ cuộc sống của họ. Hành động giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, ngoài các lệnh cấm sử dụng nhựa dùng một lần bằng các công cụ chính sách của Chính phủ rất cần ý thức chung tay của cả cộng đồng và trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Các tổ chức môi trường quốc tế cũng như nhiều quốc gia đang kêu gọi người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nylon. Muốn làm được điều này, trước hết, chúng ta phải bắt đầu từ việc giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần và thay vào đó, tập thói quen dùng các loại túi khác thân thiện với môi trường như: túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nylon tự phân hủy hay túi dệt từ sợi nylon sử dụng nhiều lần…

rac-thai-nhua-3-.jpg
Rác thải nhựa vẫn luôn là mối lo ngại tới sức khỏe con người lẫn môi trường

Bên cạnh đó, việc tái sử dụng là biện pháp đang được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Thay vì dùng một lần và vứt đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác. Việc tái chế này đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà. Ví dụ, chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, đựng các đồ dùng khác hoặc làm đồ trang trí như ống cầm bút, chậu hoa,…

Thực trạng rác thải nhựa ở Việt Nam


Rác thải nhựa hiện là một vấn đề môi trường nghiêm trọng và Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có lượng chất thải nhựa cao thải ra hàng năm. Đáng quan ngại, tại Việt Nam hiện nay rác thải nhựa mới được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể nào để quản lý, thu gom và xử lý trong tình trạng ô nhiễm, suy thoái do lượng rác thải nhựa đang ngày càng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa có số lượng và khối lượng vượt trội so với các loại rác khác. Phần lớn loại rác thải này sẽ thải ra khu vực biển, nơi rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước và các sinh vật biến khác. Các bãi biển ở Việt Nam có mức ô nhiễm nhựa cao, phần lớn có vị trí hoặc nằm cạnh bến tàu, khu dân cư, các khu tập trung nhiều hoạt động du lịch. Đáng chú ý, tại khu vực đảo xa bờ, ít hoạt động du lịch như Côn Đảo, Hòn Cau cũng dễ bị ô nhiễm rác thải nhựa với số lượng và khối lượng rác cao hơn so với các bãi nằm gần bờ.

Tại Việt Nam, nhận thức của mọi người về ô nhiễm nhựa đang gia tăng và yêu cầu về trách nhiệm của lĩnh vực công và tư cũng ngày càng lớn. Do vậy, chúng ta cần phải có một cách tiếp cận toàn diện về quản lý và phát rác thải nhựa để giảm khối lượng loại bỏ ra môi trường.

Các sản phẩm nhựa khó có thể biến mất hoàn toàn trong đời sống bởi tác dụng tiện lợi của nó, do đó song song với việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy thì việc đi tìm một nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sinh học dễ phân hủy sẽ là giải pháp tối ưu trong tương lai.

rac-thai-nhua-2-.jpg
Rác thải nhựa hiện là một vấn đề môi trường nghiêm trọng và Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có lượng chất thải nhựa cao thải ra hàng năm


Giải pháp, trách nhiệm và sự chung tay của toàn xã hội


Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và đặc biệt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa dùng một lần.

Hiện tại, Bộ tài nguyên và Môi trường đang tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm quốc tế về rác thải nhựa; xay dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” để tăng cường năng lực quản lý chất thải nhựa. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương để triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường.

Các bộ, ngành, địa phương đã hiện thực hóa chủ trương, chính sách bằng nhiều chương trình, dự án giảm rác thải nhựa trên cả nước, hướng đến mục tiêu chung: Nói không với rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030.

Ở khắp nơi trên cả nước, danh sách các cửa hàng xanh chia sẻ cam kết với môi trường ngày càng được nối dài với việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, dễ phân hủy hoặc sử dụng nhiều lần. Đặc biệt, nhiều cửa hàng giải khát đã dùng chai thuỷ tinh thay cho cốc nhựa, sử dụng ống hút thân thiện với môi trường.

Các trường học đã tăng cường việc tuyên truyền nhằm xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh bằng những việc làm cụ thể như không dùng bọc sách nylon; vận động các cơ sở đoàn, trường học và người dân thu gom các loại phế liệu tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy,… để đổi cây xanh hoặc cây trang trí được nhiều nơi thực hiện.

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã “nói không với rác thải nhựa” bằng việc sử dụng bình nước với chất liệu khác nhau để thay thế cho chai nước nhựa tại các cuộc họp. Các địa phương đã chủ động, sáng tạo để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường địa bàn với nhiều chương trình, mô hình mới, sáng tạo nhằm lan truyền mạnh mẽ mang những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường.

Trong lễ khai mạc cuộc thi PlastiNOvation vừa qua của tổ chức GreenHub, PGS.TS Dương Mạnh Tiến đã đưa ra những ý kiến về tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa trong các mô hình kinh doanh đặc biệt là kinh tế tuần hoàn. Ông cho rằng: “Trong cuộc sống hiện nay, nhựa là một phần tất yếu và chưa có một biện pháp nào có thể thay thế được nhựa.

Tính đến năm 2030, sản lượng nhựa trên toàn thế giới sẽ tăng lên gấp đôi. Để bảo vệ môi trường, chúng ta chỉ có thể thay đổi từng chút một, cần có thêm cả trách nhiệm để tìm ra giải pháp bởi hiện không thể thay thế nhựa trong đời sống được”. Cùng với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm “trắng” – ô nhiễm rác thải nhựa.

Để có thể giải quyết được vấn đề rác thải nhựa trước tiên cần xây dựng cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu của kế hoạch hành động quốc gia, phải nhận thức rằng đây là vấn đề toàn cầu và cốt lõi, là nâng cao khoa học công nghệ để xử lý rác thải nhựa ở Việt Nam. Vấn đề này không thể giải quyết đơn lẻ bởi riêng các cơ quan, ban, ngành nào, mà nó cần sự chung tay đến từ toàn xã hội.

PlastiNOvation là cuộc thi tìm kiếm, hỗ trợ mô hình kinh doanh về giảm nhựa, nằm trong khuôn khổ Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Cuộc thi hướng tới thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc tìm kiếm các doanh nghiệp có sáng kiến giảm rác thải nhựa sáng tạo, bền vững từ đó hỗ trợ mô hình được lựa chọn thúc đẩy phát triển, tăng tốc trong kinh doanh.

Cuộc thi được tổ chức bởi Tổ chức Greenhub, một Tổ chức Khoa học Công nghệ thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VUSTA). Tổ chức được thành lập ngày 15/03/2016, bởi nhóm sáng lập viên cùng chí hướng và nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý các dự án phát triển cộng đồng, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực và vận động chính sách.

Phương Nga