Quảng Ngãi: Sản xuất nông nghiệp gặp khó do nắng nóng kéo dài

Kinh tế - Ngày đăng : 09:30, 22/07/2022

Nắng nóng kéo dài, người nông dân vừa phải tập trung giải hạn cho lúa, rau màu và tốn thêm chi phí sản xuất. Bởi hiện nay, nhiều loại sâu bệnh gây hại đang phát triển mạnh trên các loại cây trồng.

Bà Huỳnh Thị Sương, ở thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) cho biết, đây là lần thứ 3 trong vụ hè thu năm nay, gia đình tôi phải nhổ bỏ 6 sào dưa hấu đang trong giai đoạn ra hoa, thụ phấn. Đã hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng dưa hấu nhưng chưa bao giờ tôi phải nhổ bỏ, xuống giống trồng lại nhiều lần như năm nay. “Trồng dưa dưới thời tiết nắng nóng rất vất vả, gia đình tôi phải túc trực thường xuyên để chạy nước tưới. Công sức, chi phí đầu tư rất lớn, nhưng cứ đến giai đoạn ra hoa là cây dưa lại bị đứng ngọn, héo xanh. Vụ dưa năm nay, tôi thua lỗ hơn 50 triệu đồng”, bà Sương nói.

san-xuat-nong-nghiep.jpg
Bà Huỳnh Thị Sương, ở xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ), phải nhổ bỏ hơn 6 sào dưa hấu vì mắc bệnh héo xanh, không phát triển ngọn.

Vụ hè thu này, nông dân ở các xã Bình Dương, Bình Chương (Bình Sơn) trồng hơn 140ha ớt. Dù giá ớt đang tăng cao, nhưng phần lớn nông dân lại thất thu, vì cây ớt đang trong giai đoạn thu hoạch bị nám trái, vàng lá, khô ngọn. Nhiều nông dân phải nhổ bỏ toàn bộ diện tích ớt để chuyển sang trồng bắp, mì. Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chương Nguyễn Bảo Khánh cho biết, toàn xã có hơn 45ha ớt vụ hè thu. Vụ này, nông dân chỉ mới thu hái ớt vài đợt đầu, sau đó ớt bị nám trái, héo xanh, rồi chết dần. Nông dân có phun thuốc diệt trừ sâu bệnh, nhưng vẫn không thể khắc phục nên đành nhổ bỏ, chấp nhận thua lỗ.

Theo thống kê, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo trồng hơn 34 nghìn héc ta lúa và hơn 22 nghìn héc ta rau màu. Trong đó, có hơn 270ha lúa bị chuột cắn phá, khoảng 80ha lúa bị bọ trĩ, rầy nâu, khô vằn, hơn 7.000ha mì bị khảm lá do vi rút và hơn 100ha rau màu bị nhện đỏ, rầy, sâu keo gây hại.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Thế Vĩnh cho rằng, người dân canh tác nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, nông dân còn phải đối mặt với khó khăn do sự khắc nghiệt của thời tiết, thiệt hại về năng suất, thu nhập do nhiều loại sâu bệnh gây ra trên cây trồng.

“Để tăng hiệu quả sản xuất trong vụ hè thu, nông dân cần chủ động các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh, rải vôi xử lý kỹ ruộng đất trước khi bước vào vụ sản xuất. Đồng thời, gieo trồng với mật độ phù hợp, bón phân hợp lý; tăng cường tưới nước cho cây trồng, thường xuyên kiểm tra, thăm ruộng lúa, rau màu để sớm phát hiện bệnh và phun thuốc phòng trừ kịp thời. Đối với các diện tích cây trồng đã bị bệnh, nông dân phải nhanh chóng thu tàn dư thực vật bị nhiễm bệnh đem đốt, có thể cắt nguồn bệnh bằng việc thực hiện luân canh cây trồng”, ông Vĩnh khuyến cáo.

Gia Hân