Kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (Bài 3): Cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 15:00, 22/07/2022

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt Nam - Campuchia đã được thử thách, tôi luyện và phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực, trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc.

Công tác biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi có nhiều nét tương đồng về lịch sử, vị trí địa lý, trình độ phát triển kinh tế, đều khát khao giành và giữ độc lập. Dân tộc Campuchia có nền văn minh Angkor huy hoàng, dân tộc Việt Nam có nền văn hiến nghìn năm. Nhân dân hai nước đều là nạn nhân của chiến tranh, có cùng khát khao, quý trọng hòa bình, mong muốn giữ mãi quan hệ hữu nghị truyền thống của hai dân tộc.

Trải qua các triều đại phong kiến, giữa Việt Nam và Campuchia đã hình thành biên giới lịch sử nhưng cơ bản chỉ ở dạng các ranh giới vùng-miền. Trong thời kỳ thực dân, biên giới giữa hai nước có nhiều biến động bởi sự điều chỉnh của Toàn quyền Đông Dương. Đến khi Pháp rút khỏi Đông Dương (1954), toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa hai nước đã được thể hiện tương đối đầy đủ trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản.

viet-nam-campuchia.jpeg
Hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc​ biên giới đất liề n Việt Nam - Campuchia chính thức có hiệu lực. 

Trong giai đoạn từ 1954-1977, hai bên đã xúc tiến một số cuộc đàm phán về biên giới nhưng không đạt kết quả. Sau khi Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia ra đời, ngày 18/02/1979, hai nước đã ký “Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia”. Trên cơ sở Hiệp ước này, hai nước đã đàm phán và ký “Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia” ngày 20/7/1983 và “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia” ngày 27/12/1985 (gọi tắt là Hiệp ước năm 1985).

Thực hiện Hiệp ước năm 1985, từ năm 1986 hai bên đã tiến hành công tác PGCM và dự kiến sẽ cắm 322 cột mốc trên thực địa, tuy nhiên đến đầu năm 1989, vì một số lý do, công tác PGCM đã tạm dừng. Từ năm 1999, đàm phán biên giới trên đất liền được nối lại và ngày 10/10/2005, hai nước đã ký “Hiệp ước giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985” (gọi tắt là Hiệp ước bổ sung năm 2005), theo đó, đã điều chỉnh việc hoạch định biên giới tại một số khu vực và thỏa thuận việc triển khai công tác PGCM trên toàn tuyến.

Từ năm 2006, thực hiện Hiệp ước năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, hai bên tái khởi động công tác PGCM biên giới đất liền. Năm 2013, hai bên thống nhất cắm bổ sung các mốc phụ, cọc dấu để làm rõ hướng đi của đường biên giới trên thực địa. Kết quả đến nay, hai bên đã hoàn thành phân giới được khoảng 1.045 km đường biên giới, xây dựng được 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí trên thực địa, đạt khoảng 84% khối lượng công tác PGCM trên toàn tuyến.

Kết quả PGCM nêu trên được thể hiện rất chi tiết, cụ thể trong 02 điều ước quốc tế cấp Nhà nước mà hai bên vừa ký tại Hà Nội ngày 05/10/2019 vừa qua là: (i) “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (gọi tắt là Hiệp ước bổ sung năm 2019); và (ii) “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (gọi tắt là Nghị định thư PGCM).

Đối với khối lượng 16% còn lại chưa được triển khai PGCM tại thực địa, trên tinh thần hợp tác tích cực, hai bên đều thể hiện quyết tâm sẽ sớm giải quyết toàn bộ để chuyển sang giai đoạn phối hợp giải quyết vấn đề phân định biển.

Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư PGCM là sự kiện trọng đại trong quan hệ hai nước, là dấu mốc lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình giải quyết biên giới đất liền giữa hai nước sau hơn 36 năm đàm phán. Sự kiện này khẳng định mục tiêu chung của hai bên là xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng cùng có lợi, góp phần không ngừng tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và đoàn kết truyền thống, vì lợi ích và phồn vinh của nhân dân hai nước.

Trên cơ sở các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng chính quyền và nhân dân địa phương biên giới hai bên đang phối hợp tích cực triển khai công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền. Năm 2019 hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới, cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền VN - Campuchia và hiện nay đang nỗ lực đàm phán, giải quyết 16% còn lại để tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Chính phủ hai nước luôn tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với pháp luật của mỗi nước.

Hoàn thiện các cơ chế hợp tác thiết thực và mở rộng


Việt Nam và Campuchia đã định hình nhiều cơ chế hợp tác song phương và khu vực. Hợp tác song phương tiếp tục được mở rộng thông qua các Hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại vào Campuchia, Hội chợ thương mại Việt Nam - Campuchia, Hội nghị hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia; hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, Hội Hữu nghị của hai nước… Bên cạnh đó là các cơ chế hợp tác khu vực như chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS). Trong số này, Hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam được xem là cơ chế hợp tác quan trọng, góp phần duy trì ổn định về an ninh chính trị, an toàn xã hội khu vực biên giới giữa hai nước.

viet-nam-campuchia.jpg
Thủ tướng hai nước ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia. Ảnh báo Thế giới và Việt Nam

Thông qua các cơ chế hợp tác đang vận hành, nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước và nhân dân hai nước đã được triển khai, đạt được kết quả quan trọng. Hai bên chủ động, tích cực triển khai các hiệp định giữa hai chính phủ và thỏa thuận tại các kỳ họp Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hợp tác hiệu quả và thực chất.

Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính phủ hai nước thỏa thuận xây dựng và thực hiện cơ chế mở cửa cho các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, du lịch liên quốc gia, hợp tác lao động, thủ tục hải quan, xuất - nhập cảnh và các quy chế về thương mại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường của nhau. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi các doanh nghiệp về đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; đa dạng hóa các hoạt động đầu tư của Việt Nam vào Campuchia và ngược lại.

Bên cạnh đó, lĩnh vực hợp tác giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cũng được hai bên quan tâm, coi đây là vấn đề trọng yếu có tầm chiến lược, nhằm hình thành đội ngũ cán bộ hiểu biết lẫn nhau giữa các ngành, các lĩnh vực của hai nước, góp phần tích cực trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước, vì mục tiêu phát triển bền vững của mỗi nước. Đáp ứng yêu cầu của Campuchia về giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, mỗi năm, phía Việt Nam cung cấp hàng trăm suất học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn cho sinh viên, du học sinh Campuchia. Ở chiều ngược lại, Campuchia cũng dành cho Việt Nam 35 suất học bổng, bao gồm 15 suất học bổng đại học và sau đại học, 20 suất học bổng đào tạo ngôn ngữ, văn hóa Khmer với chương trình đào tạo kéo dài hai năm.

Về thương mại, Việt Nam và Campuchia cùng là thành viên ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động sản xuất, thương mại của hai nước. Hai bên quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thực hiện chính sách ưu đãi thuế quan cho hàng hóa có xuất xứ từ mỗi nước; coi trọng hợp tác thương mại biên giới; hỗ trợ các tỉnh giáp biên giới hai nước đẩy mạnh các hoạt động giao lưu thương mại.

Theo thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2019-2020, hai bên cam kết dành cho nhau những ưu đãi về thuế quan với thuế nhập khẩu 0% đối với các mặt hàng có xuất xứ từ hai nước. Cụ thể, phía Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0% đối với 26 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia gồm thịt, phụ phẩm, rau quả tươi hoặc ướp lạnh và nhiên liệu diesel. Ngược lại, Việt Nam cũng dành ưu đãi thuế xuất nhập khẩu 0% cho 32 mặt hàng của Campuchia, phần lớn là nông sản.

Theo Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, Việt Nam đang có tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực tại Campuchia là 188 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 2,85 tỷ USD, nằm trong tốp quốc gia dẫn đầu ASEAN về vốn đầu tư tại Campuchia. Ở chiều ngược lại, Campuchia có 19 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 63,42 triệu USD.

Trong những năm từ 1997-1999, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia chỉ đạt khoảng 130 - 150 triệu USD/năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2005-2009, kim ngạch thương mại song phương tăng trung bình khoảng 30 - 40%/năm. Trong những năm gần đây, tổng kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục giữ được đà tăng trưởng khá: Năm 2020 đạt 5,3 tỷ USD; năm 2021 đạt trên 9,5 tỷ USD, tăng 79% so với năm 2020.

Trong ba tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt 3,370 tỷ USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Campuchia nhập hàng từ Việt Nam đạt 1,550 tỷ USD, tăng 27,2%; Việt Nam nhập hàng từ Campuchia đạt 1,820 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước trong năm 2022 vượt mốc 10 tỷ USD.

Với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia có bước phát triển mạnh trong những năm gần đây. Hai bên đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, như Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia, Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia. Nhờ đó, hoạt động đầu tư của Việt Nam vào Campuchia có sự chuyển biến mạnh mẽ với vai trò quan trọng, nổi bật của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp vừa và lớn.

Trong quá trình đầu tư tại Campuchia, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực thích ứng, làm ăn hiệu quả, được phía Campuchia đánh giá cao, như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với thương hiệu Metfone, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... Các doanh nghiệp này không chỉ đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đóng thuế, mà còn đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển hạ tầng và tạo việc làm cho hàng vạn lao động Campuchia.