Hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 20:00, 22/07/2022

Khẩn trương chống biến đổi khí hậu là thông điệp mà Đối thoại khí hậu Petersberg vừa diễn ra tại thủ đô Berlin của Đức tập trung truyền tải. Khi những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng nhiều, việc biến các cam kết thành hành động cụ thể, thực chất mang ý nghĩa sống còn đối với tương lai nhân loại.

Không một quốc gia nào, dù giàu hay nghèo, có thể “miễn nhiễm” với những tác động từ biến đổi khí hậu. Các đợt nắng nóng khắc nghiệt và bất thường mà châu Âu phải trải qua suốt những tháng hè vừa qua là minh chứng rõ ràng cho mối đe dọa chung mà toàn nhân loại phải đối mặt. Tại khu vực Tây Âu, nhiệt độ tăng cao chưa từng thấy, dẫn đến cháy rừng dữ dội. Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, 510 người chết vì các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng từ ngày 10 đến 16/7 vừa qua. Các nhân viên cứu hộ phải vật lộn với “giặc lửa” để dập tắt những đám cháy rừng. Trong khi đó, Vương quốc Anh, vốn được mệnh danh xứ sở sương mù, lần đầu trong lịch sử ghi nhận nhiệt độ lên hơn 40oC.

Đối thoại khí hậu Petersberg quy tụ đông đảo quan chức cấp cao đến từ khoảng 40 quốc gia trên thế giới. Các đại biểu tham dự hội nghị đều chia sẻ mối lo ngại trước tình cảnh hàng triệu người trên khắp thế giới phải vật vã chống chọi những đợt nắng nóng như thiêu đốt, đồng thời thúc giục cộng đồng quốc tế cần đoàn kết và có trách nhiệm hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

chong-bien-doi-khi-hau.jpeg
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Chỉ còn khoảng bốn tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập. Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry (S.Su-cri) mới đây tuyên bố: “Vào những thời điểm bấp bênh này, chúng ta có trách nhiệm phải hành động khẩn trương để bảo đảm rằng hành động vì khí hậu vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế”. Lời nhắc nhở được đại diện nước chủ nhà của COP27 đưa ra khi hàng loạt thách thức toàn cầu khác như đại dịch Covid-19, tình hình căng thẳng ở Ukraine hay cuộc khủng hoảng an ninh lương thực có nguy cơ khiến nhiều quốc gia “chệch hướng” khỏi mục tiêu khí hậu.

Ngày càng nhiều lời kêu gọi hành động khẩn cấp vì khí hậu được đưa ra bởi thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng gia tăng, đòi hỏi phải có một chiến lược ứng phó nhanh chóng và thống nhất trên quy mô toàn cầu. Cách đây vài ngày, tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương lần thứ 51 được tổ chức ở Fiji, giới chức các đảo quốc cảnh báo, thời gian không còn nhiều để tránh “tình huống xấu nhất”. Khu vực Thái Bình Dương rộng lớn bao gồm nhiều đảo nhỏ, thưa dân song lại nằm dọc các tuyến đường biển quốc tế quan trọng. Kịch bản xấu nhất có thể xảy ra là các đảo quốc này sẽ bị ngập hoặc không thể cư trú được do những cơn bão lớn chưa từng có.

Còn vào ngày 20/7, những người biểu tình vì khí hậu đã gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên đường cao tốc đông đúc nhất nước Anh bao quanh thủ đô London. Những người biểu tình cảnh báo rằng đợt nắng nóng kỷ lục trong tuần này là một lời nhắc nhở rằng cần có những giải pháp khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu.

Các thành viên của nhóm Just Stop Oil đã biểu tình tại tuyến cao tốc huyết mạch M25, khiến cảnh sát phải can thiệp và các phương tiện phải lùi ngược lại vài km. Just Stop Oil bày tỏ "lấy làm tiếc" về sự gián đoạn giao thông, song vẫn cảnh báo sẽ tiến hành các cuộc biểu tình khác trong tuần này.

Nhiệt độ ở miền Nam nước Anh ngày 19/7 đã lên tới 40 độ C lần đầu tiên, trong bối cảnh "xứ sở xương mù" phải đối mặt với tình trạng gián đoạn giao thông nghiêm trọng và các vụ cháy rừng dữ dội được ghi nhận ở châu Âu trong những năm gần đây. Bộ trưởng Tài chính Simon Clarke nêu rõ: "Đây là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu".

Theo Đội cứu hỏa London, 16 lính cứu hỏa đã bị thương tại khu vực quanh thủ đô và 2 người phải nhập viện. Thị trưởng London Sadiq Khan cho biết: "Ngày 19/7 là ngày bận rộn nhất đối với cơ quan cứu hỏa ở London kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II". Ông kêu gọi công chúng cảnh giác mặc dù nhiệt độ hiện đang giảm xuống

Lực lượng cứu hỏa hiện vẫn đang nỗ lực suốt ngày đêm để dập tắt các đám cháy rừng. Nhiệt độ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây nguy cơ làm hỏng đường ray xe lửa, gây gián đoạn giao thông đường sắt. Các kỹ sư vẫn đang chạy đua với thời gian để sửa chữa các đường ray tàu hỏa bị hư hỏng vì nắng nóng. Các chuyến tàu chạy từ London đến bờ biển phía Đông nước Anh đã bị hủy ít nhất cho đến giữa trưa 20/7 sau khi một đám cháy gần thành phố Peterborough ở miền Trung nước Anh làm hỏng thiết bị báo hiệu.

Cứ mỗi lần xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan, vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu lại nóng lên tại các diễn đàn quốc tế. Nhận thức chung về chống biến đổi khí hậu thời gian qua đã có chuyển biến mạnh mẽ, nhưng quan trọng hơn cả là phải tìm ra chiến lược ứng phó thống nhất giữa các nước để từ đó quyết liệt hành động, trong đó có việc thống nhất về vấn đề tài chính. Đại diện cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Ai Cập Mahmoud Mohieldin nhấn mạnh, thích ứng với biến đổi khí hậu là một nhiệm vụ tốn kém và các nước nhỏ cũng như các nước đang phát triển rất khó có đủ nguồn tài chính để thực hiện quá trình chuyển đổi. Ai Cập từng nhiều lần khẳng định sẽ nói lên nguyện vọng của châu Phi tại COP27 và tìm kiếm nguồn tài chính mà các nước châu Phi cần để ứng phó biến đổi khí hậu.

Giới chuyên gia cảnh báo, các hiện tượng thời tiết mà chúng ta đang trải qua hôm nay là tiền đề cho những sự kiện sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn trong tương lai. Thời tiết cực đoan cũng tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế toàn cầu, vốn đã chao đảo do dịch bệnh. Không còn nhiều thời gian để các nước biến những lời nói thành hành động thực chất, hiệu quả trong một “cuộc chiến không tiếng súng” vì tương lai nhân loại.

Thanh Hương (theo Nhân dân)