Quảng Ninh: Bãi thải mỏ gây nhiều hệ lụy về môi trường, uy hiếp cuộc sống người dân

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 08:30, 23/07/2022

Người dân sống tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh ngày ngày phải chịu cảnh “sống chung với bụi” từ các bãi thải mỏ than xả ra môi trường.
thai-1.jpg
Bụi từ bãi thải mỏ thường xuyên bao trùm khu dân cư phường Mông Dương, TP Cẩm Phả.

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm các mỏ than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phát sinh hơn 100 triệu m3 đất, đá thải.

Trong đó, TP Cẩm Phả - trung tâm khai thác than lớn nhất cả nước với hàng chục doanh nghiệp khai thác than lộ thiên, hầm lò có những bãi thải rộng hàng trăm ha, với độ cao từ 200 đến 300m đã và đang gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, uy hiếp nghiêm trọng nhiều khu dân cư.

Đứng trên QL18A, đoạn qua phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả, dễ dàng nhận thấy cảnh bụi bay mù mịt từ bãi thải Tây Khe Sim trùm xuống nhiều khu dân cư sinh sống phía dưới.

Nằm giữa trung tâm TP Cẩm Phả, nhưng hầu như các hộ dân sinh sống dưới chân các bãi thải mỏ đều luôn phải "cửa đóng then cài" để ngăn bụi bay vào nhà.

Vừa quét dọn bụi tại cửa Nhà văn hóa khu Thống Nhất, phường Cẩm Tây, ông Đoàn Văn Đốc vừa chia sẻ: Áp vào khu dân cư là khai trường của doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng).

hong-2.jpg
Dòng sông Mông Dương, TP Cẩm Phả cũng thường xuyên bị bồi, lắng do đất, đá từ bãi thải mỏ trôi xuống.

"Cứ hôm nào nắng to, bụi từ bãi thải cao như núi bên cạnh phát tán theo gió trùm xuống khu dân cư phía dưới, luồn qua khe cửa, kẽ mái nhà tràn ngập vào trong nhà gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe", ông Đốc than.

Cùng cảnh "sống chung với bụi" của hàng trăm hộ dân tại phường Cẩm Tây là hàng hàng ngàn hộ dân sinh sống dưới chân các bãi thải mỏ trải dài từ xã Dương Huy, tới các phường Cẩm Phú, Mông Dương, Cẩm Sơn… thuộc TP Cẩm Phả.

Men theo tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn đoạn qua phường Mông Dương, xã Dương Huy, PV đã ghi nhận được những bãi thải khổng lồ đang uy hiếp môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân nơi đây.

Chị Huyền, nhà ở khu 9, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả than thở: "Vào những đợt nắng nóng kéo dài, bụi từ bãi thải của Công ty CP Than Cao Sơn đã trùm xuống nhà dân, cao tốc, lửng lơ phủ kín các tuyến đường khiến người điều khiển phương tiện rất khó quan sát, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT..."

Không chỉ “sống chung với bụi”, hàng ngàn hộ dân sống gần khu vực bãi thải ở TP Cẩm Phả còn phải nơm nớp lo ngập lụt, sạt, lở đất, đá vào mùa mưa, bão.

cao.jpg
Bãi thải mỏ ở TP Cẩm Phả cao từ 200-300m, nếu không có biện pháp phun sương, dập bụi sẽ uy hiếp nhiều tuyến giao thông phụ cận.

Điển hình, hàng trăm hộ dân tại xã Dương Huy, phường Mông Dương, phường Cẩm Phú… mỗi khi có mưa, bão lớn đều phải lo di tản vì không chịu được cảnh nhà cửa, lối đi ngập nước, ngập đất, đá...

Nhiều tuyến phố ở khu vực nội thị TP Cẩm Phả cũng trong cảnh ngập, lụt khi mưa do khu vực thượng nguồn các con suối đều là bãi thải, thiếu vắng bóng cây xanh và hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ…

Hiện nay, trên địa bàn TP Cẩm Phả có gần chục điểm bãi thải chạy dài qua trên 80% phường, xã. Quy hoạch các bãi thải có độ cao từ 200m đến 300m.

Để giải quyết vấn đề an toàn cho người dân sinh sống gần bãi thải, thời gian qua, TP Cẩm Phả triển khai một số phương án di, dời hộ dân nằm trong vùng trọng điểm ngập, lụt, bụi...

Tuy nhiên, thực tế thì hiện nay, tại TP Cẩm Phả vẫn còn hàng ngàn hộ sống trong cảnh bụi bặm, ô nhiễm môi trường và nguy cơ bị sạt, lở, ngập lụt do hoạt động khai thác than gây ra mà chính quyền địa phương chưa có giải pháp hiệu quả để đảm giải quyết.

Ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả cho biết: Hàng năm, địa phương đều tiến hành khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm gần các khai trường, bãi thải của các đơn vị sản xuất than.

Đồng thời, kiến nghị các đơn vị khai thác than có biện pháp đảm bảo môi trường, cũng như hỗ trợ chính quyền trong việc di, dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm...

Tỉnh Quảng Ninh nói chung và TP Cẩm Phả nói riêng đang trong giai đoạn phát triển mới với nhiều dự án hạ tầng cần khối lượng lớn vật liệu san lấp mặt bằng. Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh cần gần 800 triệu m3 vật liệu đắp, san lấp mặt bằng.

Hiện, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã quy hoạch nhiều bãi thải mỏ ở 2 vùng Cẩm Phả và Hạ Long để sẵn sàng phục vụ nhu cầu về vật liệu san lấp mặt bằng các dự án hạ tầng của tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian gần đây, các đơn vị khai thác than ở TP Cẩm Phả cũng đã đẩy mạnh trồng cây phủ xanh ở các bãi thải, khai trường đã kết thúc, ưu tiên đổ thải kết thúc gọn các khu vực phụ cận khu dân cư, công trình giao thông để sớm phục hồi môi trường, cải tạo cảnh quan chung.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp việc trồng cây xanh ngăn bụi, lắp đặt máy phun sương dập bụi cao áp tại kho quặng nguyên khai, bãi thải đất, đá và tưới nước trên đường chuyên dùng để hạn chế bụi phát tán vào khu dân cư...

"Tuy nhiên, những giải pháp đó cũng chỉ là trước mắt. Về lâu dài, TKV và Tổng công ty Đông Bắc cần chủ động hơn trong việc giải bài toán các bãi thải mỏ một cách hiệu quả, lâu dài. Đó là nhanh chóng phối hợp với chính quyền đưa đất, đá thải mỏ trở thành vật liệu san lấp phục vụ các dự án trên địa bàn…", ông Kính nhìn nhận.

PV