Kiên quyết xử lý các vi phạm về môi trường, kiểm soát chặt chẽ nguồn thải
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:00, 15/06/2021
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới cần tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý các vi phạm về môi trường.
Nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức
Theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 5, 5 tháng và dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành, kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm vẫn đang theo xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và còn những tồn tại, hạn chế nhất là trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước tiên là tốc độ tăng trưởng GDP quý I chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra; dự báo tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 5,8%. Tốc độ tăng trưởng dự báo 6 tháng đầu này thấp hơn 1,31 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (kịch bản tăng 7,11%) và thấp hơn 1,39 điểm phần trăm so với mục tiêu tăng trưởng 6 tháng theo kịch bản cập nhật tại thời điểm quý I/2021 (tăng 7,19%).
Dự báo tình hình thế giới và trong nước 6 tháng cuối năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi với những dấu hiệu tăng trưởng khả quan, nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức nhất là những vấn đề về giá cả, lạm phát và diễn biến phức tạp của dịch bệnh có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng. Việc tiêm chủng vắc-xin chưa đồng đều giữa các quốc gia và nền kinh tế dẫn đến sự khác biệt khá lớn trong tiến trình phục hồi kinh tế, có khả năng làm gia tăng bất bình đẳng, khoảng cách thu nhập trên phạm vi toàn cầu.
Đối với kinh tế trong nước, thời gian qua nhiều tổ chức trên thế giới đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng khá lạc quan trong năm 2021. Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 dự báo đến từ khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, sự gia tăng đầu tư và mở rộng các hoạt động thương mại.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, triển vọng kinh tế của nước ta trong những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, còn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; áp lực lạm phát trong nước tăng; rủi ro thiên tai, dịch bệnh còn hiện hữu; đời sống của nhân dân và doanh nghiệp còn khó khăn…
Tăng cường quản lý tài nguyên, kiên quyết xử lý các vi phạm về môi trường
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá nhiệm vụ trước mắt và những tháng cuối năm còn rất nặng nề, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Để phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu của Quốc hội giao năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, cần tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp.
Tiết giảm tối đa chi thường xuyên; chống tiêu cực, lãng phí trong thu, chi ngân sách Nhà nước, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm; đẩy mạnh việc thu ngân sách ở tất cả các tỉnh, thành phố, nhất là từ các nguồn thu bền vững, ổn định.
Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo hướng tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật về đầu tư công, về xây dựng, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…
Triển khai quyết liệt, đồng bộ, đầy đủ và hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ các dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để thực hiện dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh giải pháp điều hành đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển sản xuất, ổn định thị trường, phòng ngừa rủi ro. Mặt khác, cần tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng logistic, giao thông, năng lượng. Phát triển đòng bộ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo nền tảng phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm nhằm phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Tập trung tổng kết, rà soát, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và môi trường. Kiên quyết xử lý các vi phạm về môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải.
Minh Khang