Những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:00, 26/07/2022

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
nha.jpg
Các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh.

Một trong các mục tiêu cụ thể của Đề án là các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh. Đến năm 2030, khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải, sử dụng 100% xăng E5; giảm 32,6% lượng phát thải khí nhà kính trong năng lượng, 43% trong nông nghiệp, 70% trong lâm nghiệp và sử dụng đất đồng thời tăng 20% lượng hấp thụ các-bon, 60,7% trong xử lý chất thải, 38,3% trong các quá trình công nghiệp (so với kịch bản phát triển thông thường). Các giải pháp thu hồi và lưu giữ các-bon từ các nguồn phát thải lớn được nghiên cứu, áp dụng rộng rãi.

Xác định chi tiết tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; xác định các khu vực biển thu hút các nhà đầu tư, đưa một số dự án điện gió ngoài khơi vào hoạt động ở các khu vực có tiềm năng. Đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát; giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch; tham gia các tổ chức năng lượng quốc tế.

8 nhiệm vụ, giải pháp


Đề án đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu gồm:

1- Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

2- Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng các-bon.

3- Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh.

4- Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng.

5- Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên.

6- Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

7- Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông.

8- Thúc đẩy ngoại giao khí hậu.

Phát triển các dự án năng lượng tái tạo


Trong đó, phát triển các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, thuỷ điện, năng lượng thuỷ triều, năng lượng sinh khối...); nghiên cứu phát triển và sử dụng nhiên liệu amonia xanh, hydro xanh; lưu trữ năng lượng và phát triển công nghệ thu hồi, lưu giữ và sử dụng các-bon. Đánh giá tiềm năng, trữ lượng các loại khoáng sản phục vụ sản xuất pin, lưu trữ năng lượng, ứng dụng trong lắp ráp các thiết bị, phương tiện không phát thải.

Bên cạnh đó, tăng cường điện khí hóa và sử dụng hiệu quả năng lượng trong dân dụng, công nghiệp, giao thông vận tải; phát triển lưới điện thông minh, vận hành các nguồn năng lượng mới, nguồn điện linh hoạt; thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; phát triển ô tô điện tại Việt Nam.

Đồng thời, nghiên cứu thành lập Trung tâm Năng lượng tái tạo quốc gia nhằm phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm và quản trị quốc gia trong lĩnh vực này. Xem xét tham gia Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế (IRENA) và Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế (ISA) để thúc đẩy các hoạt động chuyển dịch năng lượng, huy động các nguồn vốn cho ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng.

Nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; mở rộng


Cùng với đó, thúc đẩy chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy nội địa và vận tải ven biển; tăng cường kết nối các phương thức vận tải kết hợp dịch vụ logistics chất lượng cao, giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện. Chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; mở rộng, phát triển giao thông phi cơ giới.

Thúc đẩy chuyển đổi hoạt động theo tiêu chí xanh, phát thải các-bon thấp đối với các cảng, bến, nhà ga. Phát triển hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông vận tải; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, phát thải các-bon thấp; triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị xanh, thông minh, sinh thái và các công trình xây dựng xanh, phát thải các-bon thấp.

Ánh Minh