Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 02:30, 10/06/2021
Tại Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã làm tăng đáng kế mức tiêu thụ nhựa, nhất là nhựa dùng để đóng gói hàng tiêu dùng. Hệ thống quản lý chất thải trong khu vực hiện không theo kịp thực tế phát triển: Thái Lan chỉ thu gom được khoảng 50% lượng rác thải; còn tại Malaysia và Philippines, chỉ 15% lượng rác thải được xử lý an toàn.
Vấn đề ô nhiễm nhựa cũng trở nên trầm trọng tại khắp các vùng miền ở Việt Nam – một trong những nước tiêu thụ nhựa hàng đầu trên thế giới. Việt Nam hiện đứng thứ tư trong số 20 quốc gia đứng đầu về lượng rác thải nhựa, với khoảng 280.000 – 730.000 tấn rác thải xả ra môi trường mỗi năm.
Ảnh minh họa
Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp này thông qua các biện pháp mở rộng tại thượng nguồn và hạ nguồn. Dự án được Liên minh châu Âu và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) đồng tài trợ; Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai.
Dự án được thực hiện tại Việt Nam từ tháng 5/2019 đến năm 2022, với mục tiêu hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang sản xuất và tiêu dùng nhựa bền vững, nhằm góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải biển. Đặc biệt, Dự án hỗ trợ triển khai hoạt động thí điểm nhằm giảm tiêu thụ nhựa sử dụng một lần và bao bì đối với hàng tiêu dùng, vốn đang là căn nguyên làm gia tăng ô nhiễm nhựa.
Các phong trào như “Ngày không sử dụng túi ni lông”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” và nhiều sự kiện chống rác thải nhựa của cộng đồng những năm gần đây đang mang lại những thay đổi tích cực trong suy nghĩ của người dân về tiêu dùng bền vững.
Hiện nay, các nhà bán lẻ và siêu thị đang nỗ lực giảm sử dụng túi ni lông dùng một lần bằng cách khuyến khích sử dụng túi sử dụng nhiều lần hoặc các chương trình khuyến mại như tặng điểm thưởng khi khách hàng mua sắm mà không sử dụng túi ni lông. Tuy nhiên, túi ni lông vẫn đang được phát miễn phí cho khách hàng tại hầu hết các siêu thị trên toàn quốc.
Trong bối cảnh đó, nếu tập hợp được các nhà bán lẻ và siêu thị trong cùng một tổ chức, sẽ giúp giảm tình trạng sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần, góp phần giúp thực hiện cam kết của Chính phủ về hạn chế rác thải nhựa.
Đó là lý do Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” hỗ trợ triển khai sáng kiến thành lập Liên minh các nhà bán lẻ – một trong 4 hoạt động thí điểm của Dự án. Sáng kiến này hướng tới mục tiêu tập hợp các siêu thị và nhà bán lẻ tại Hà Nội để cùng chống lại rác thải nhựa, giảm sử dụng túi ni lông dùng một lần và bảo vệ môi trường.
Bà Kim Thị Thúy Ngọc, Trưởng phòng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – cơ quan triển khai hoạt động thí điểm – cho biết, Liên minh các nhà bán lẻ sẽ tìm hướng thay thế túi ni lông sử dụng một lần bằng túi thân thiện với môi trường tại các siêu thị tham gia Liên minh. Tất cả các siêu thị này sẽ triển khai các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá và tặng điểm thưởng cho các giao dịch mua không sử dụng túi ni lông.
Theo Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2025, tất cả các siêu thị phải sử dụng túi thân thiện với môi trường, đồng thời giảm 50% lượng rác thải trên biển.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, nhằm hướng tới mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững, lan tỏa thông điệp “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” trong cộng đồng, Sở đang tham mưu với lãnh đạo TP. Hà Nội tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp trong sản xuất – kinh doanh nhằm hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Sở Công thương Hà Nội cũng đề xuất các cơ chế, chính sách giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; nghiên cứu cơ chế chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy.
Được biết, ngoài 4 hoạt động thí điểm được triển khai tại Việt Nam, 16 hoạt động thí điểm tại Trung Quốc, Indonesia, Phillippines và Thái Lan cũng đã được thực hiện trong khuôn khổ sáng kiến “Suy nghĩ lại về nhựa”.
Anh Hoàng