Phát triển kinh tế theo hướng xanh hóa, bước đi tất yếu

Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 20:00, 27/07/2022

Kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu của việc phát triển kinh tế hiện nay và hướng đến tương lai. Đặc biệt, trước sự biển đối phức tạp của biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nghiệm trọng con người cần có trách nhiệm nhiều hơn với thiên nhiên định hướng đến phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.
xanh1.jpg
Sở hữu trí tuệ trở thành công cụ hữu hiệu để xây dựng nền kinh tế xanh

Khái niệm kinh tế xanh

Kinh tế nâu được hiểu là nền kinh tế “dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch, bỏ qua các vấn đề xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên". Kinh tế nâu đã để lại nhiều hệ lụy đối với môi trường và xã hội, gây ra tình trạng cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, chênh lệch giàu nghèo và làm trầm trọng hơn nguy cơ về lũ lụt, ô nhiễm môi trường sống của con người. Để khắc phục những hệ lụy của kinh tế nâu, các quốc gia đã hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh. Vậy kinh tế xanh là gì?

Kinh tế xanh là thuật ngữ mới xuất hiện trong những năm gần đây, được quốc tế thống nhất sử dụng tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững được tổ chức họp vào tháng 6 năm 2012 tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil (gọi tắt là Rio+20). Kinh tế xanh đã là một trong nội dung chính được bàn thảo tại Hội nghị này. Ngày Môi trường thế giới 5/6/2012 có chủ đề “Kinh tế xanh: Có bạn không?” (Green Economy: Does it include you?), hướng tới phát triển sản xuất bền vững như sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, lối sống xanh, sản phẩm xanh với hàm ý là “thân thiện với môi trường”. Năm 1999, Ngân hàng Thế giới đã đề xuất “Xanh hóa Công nghiệp: Vai trò mới của Cộng đồng, Thị trường và Chính phủ” giới thiệu một mô hình mới cho việc kiểm soát ô nhiễm trong công nghiệp là xanh hoóa công nghiệp. Đến nay, hầu hết các hoạt động phát triển đều được yêu cầu xanh hóa, trong đó có cả xanh hóa nền kinh tế. Năm 2015, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) đã xuất bản một loạt ấn phẩm có tiêu đề “Xanh hóa tăng trưởng kinh tế” (“Greening of economic growth” series) giới thiệu cách thức xanh hóa tăng trưởng kinh tế, qua đó cũng chính thức xác định định hướng tăng trưởng kinh tế mới và kêu gọi các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương từ bỏ tiếp cận “Tăng trưởng trước, làm sạch sau” (“grow first, clean up later”). Kinh tế xanh là hoạt động của con người gắn tới gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường ngược lại với kinh tế nâu tiêu tốn nhiều nhưng kém hiệu quả.

kinh-te-xanh.jpg
Kinh tế xanh cho phát triển bền vững.

Trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về kinh tế xanh (Green Economy), trong đó, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng: “Kinh tế xanh là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng”. Nhóm Liên minh kinh tế xanh cho rằng kinh tế xanh là “nền kinh tế tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của Trái đất”. Phòng Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce, ICC) là tổ chức kinh doanh đại diện lớn nhất, tiêu biểu nhất thế giới đã xem xét kinh tế xanh từ góc độ kinh doanh: “Kinh tế xanh là nền kinh tế mà tăng trưởng kinh tế và trách nghiệm môi trường đi đôi với nhau và tương hỗ cho nhau, đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển xã hội”. Báo cáo của Ủy ban Các vấn đề kinh tế - xã hội của Liên Hợp quốc (UNDESA, 2012) tổng hợp các định nghĩa của nhiều quốc gia và chỉ ra điểm chung mà một nền kinh tế xanh cần hướng tới là việc giảm các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế tới môi trường và xã hội.

Trong khái niệm về kinh tế xanh của UNEP, thì kinh tế xanh là khái niệm đối lập với kinh tế nâu. Kinh tế xanh không chỉ đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế, mà còn quan tâm nhiều tới hạnh phúc của con người, công bằng xã hội và các vấn đề môi trường, sinh thái.

Tại Việt Nam, phạm trù “kinh tế xanh” xuất hiện từ năm 2010 kể từ sau Hội nghị của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) tại Nairobi, Kenya để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh RiO+20 tháng 6/2012 ở Rio de Zanero, Brazin về “Phát triển bền vững”. Trong quá trình thực hiện chương trình này, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của một số nước và cộng đồng quốc tế. Nhờ đó, hoạt động chuyển dịch sang nền kinh tế xanh ở Việt Nam đã có những kết quả bước đầu, như: Xây dựng, đưa vào vận hành nhiều công trình thủy điện nhỏ, phong điện, sử dụng năng lượng mặt trời, tăng cường trồng và tái sinh rừng, kiểm soát nhằm hạn chế phá rừng,… Cùng với đó, Việt Nam đã có đề xuất “tạm đóng cửa rừng tự nhiên” giảm phát thải khí nhà kính (GHG).

Vai trò của kinh tế xanh

Thứ nhất, nền kinh tế xanh ghi nhận các giá trị tự nhiên và vai trò của đầu tư cho vốn tự nhiên. Vốn tự nhiên là các tài nguyên nhiên nhiên như rừng, hồ, đất, nước… có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người.

Vốn tự nhiên mang lại lợi ích cho nông nghiệp, độ màu mỡ của đất, giá trị đối với sản xuất cây trồng… đặc biệt là nguồn sống của các hộ gia đình nghèo vì sinh kế và an sinh của họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Vì vậy, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không chỉ ghi nhận và minh chứng cho giá trị của vốn tự nhiên mà còn cho phép đầu tư và xây dựng vốn tự nhiên nhằm hướng tới kinh tế bền vững.

Thứ hai, kinh tế xanh góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo kinh nghiệm của nhiều nước đang phát triển, một trong những cơ hội lớn nhất để tăng tốc độ chuyển đổi sang kinh tế xanh là đầu tư vào việc cung cấp, dự trữ nước sạng, những dịch vụ vệ sinh cho người nghèo và năng lượng tái tạo để mang lại hiệu quả kinh tế và là phương tiện xóa đói giảm nghèo cũng như cải thiện chất lượng tổng thể cuộc sống.

xanh-4.jpg
Gia Lai hướng đến nền kinh tế "xanh".

Thứ ba, kinh tế xanh tạo ra công ăn việc làm và cải thiện công bằng xã hội. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh dẫn đến việc thay đổi cơ cấu việc làm và mức tăng số lượng việc làm.

Để doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh hướng đến sản xuất sản phẩm xanh, sạch, bảo vệ môi trường thì cần đầu tư nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh.

Thứ tư, kinh tế xanh khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ carbon thấp và khuyến khích sử dụng nguồn lực, năng lượng hiệu quả hơn.

Khi tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường gia tăng thì việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính và những rủi ro về biến động giá nhiên liệu hóa thạch.

Thứ năm, nền kinh tế xanh giảm thiểu phát thải carbon mở ra cuộc sống đô thị bền vững. Việc sử dụng nhiên liệu sạch, cải thiện hiệu quả năng lượng trong khu vực giao thông chuyển từ các phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế và sức khỏe con người.

Một số thành tựu trong phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam duy trì ở mức trung bình khoảng 5,95% trong giai đoạn từ năm 2009-2020.

Năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 2,91% và quý 1/2021 là 4,48% (trong khi hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm Malaisia -0,5%; Indonesia - 0,74%; Thái Lan -2,6% và Philippines là -4,2%, ngoại trừ Singapore 0,2%).

Cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp, tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp và dịch vụ trong GDP

Quý 1/2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11.71%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36.45%; khu vực dịch vụ chiếm 42.20%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9.64% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là 11.66%; 35.86%; 42.82%; 9.66%).

Nhà nước đã có nhiều giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc các thành phần kinh tế (trong đó, chú trọng FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước) đầu tư vào nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh, đầu tư công nghệ mới vào các ngành, các lĩnh vực như chính sách miễn/giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển giao giống cây con mới với năng suất cao,…

Cơ cấu lao động từng chuyển dịch theo hướng bền vững, giảm dần tỷ trọng lao động trong ngành Nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lao động trong ngành Công nghiệp, Dịch vụ.

Xu hướng quốc tế đang chuyển đổi sang kinh tế xanh. Trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, tăng trưởng xanh hay kinh tế xanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia như một động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế toàn cầu và công cụ để phát triển bền vững. Chủ đề này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các diễn đàn khu vực và quốc tế và đang được các nước nghiêm túc xem xét áp dụng.

Thực tế là, tăng trưởng và phát triển kinh tế xanh đã cho thấy vai trò trong việc giúp các quốc gia vừa đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và đặc biệt là bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện của biến đổi khí hậu. Đã có rất nhiều quốc gia vận dụng mô hình này, như: Đức, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ,… và thu được những kết quả rõ rệt trong tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải.

Còn đó những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì xây dựng nền kinh tế xanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể: Do thiếu nguồn lực vốn (tiết kiệm còn thấp), do chất lượng lao động chưa cao, trình độ khoa học công nghệ còn hạn chế.

hoa.jpg
Phát triển nền kinh tế xanh vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI “tăng trưởng hộ”. Cơ cấu kinh tế ngành chưa thực sự chuyển dịch theo hướng bền vững khi ngành Công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong GDP. Ngành dịch vụ phát triển chậm dần, “ngủ đông” trước đại dịch Covid-19.

Chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Năm 2020, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,61 triệu người, bao gồm 17,74 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 33,1% tổng lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,51 triệu người, chiếm 30,80% tổng lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc; khu vực dịch vụ 19,35 triệu người, chiếm 36,10% tổng lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc. Trong khi, cơ cấu nền kinh tế năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,72%; khu vực dịch vụ chiếm 41,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,8%.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, các khu vực, ngành nghề kinh tế. Hiện nay, lực lượng lao động vẫn tập trung đông nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng (chiếm trên 22%), tiếp đến là khu vực Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung (trên 21%) và đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là các khu vực có diện tích đất rộng, tập trung nhiều thành phố lớn, khu đô thị và nhiều khu công nghiệp, thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh nên thu hút đông đảo lao động tập trung ở những khu vực này. Những khu vực chiếm tỷ lệ thấp là những khu vực có diện tích đất hẹp, nhiều đồi núi, ít khu đô thị và khu công nghiệp nên không thu hút nhiều lao động đến đây. Cơ cấu lực lượng lao động phân theo 2 khu vực thành thị và nông thôn cũng có sự chênh lệch lớn. Nhìn chung, lực lượng lao động ở nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng gần 70%. Con số này có xu hướng giảm qua các năm, nhưng vẫn ở mức cao.

Đổi mới sáng tạo tuy đã tăng lên trong thời gian qua, song vẫn là con số khiêm tốn, chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế xanh. Hơn nữa, nhận thức hiểu thế nào là một nền kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ, cần tiếp tục có những nghiên cứu và phổ biến kiến thức rộng rãi trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được mong muốn, do vậy sẽ khó thực hiện. Nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, các-bon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường.

Trên thực tế hiện nay, công nghệ sản xuất ở Việt Nam so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, lạc hậu tiêu hao năng lượng lớn. Vì vậy, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới. Nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng của bụi mịn qua các năm biến động bất thường và nếu theo dõi số liệu quan trắc giai đoạn từ năm 2012 đến nay cũng cho thấy, mức độ ô nhiễm bụi tại các đô thị vẫn ở ngưỡng cao.

Một số giải pháp xây dựng và phát triển kinh tế xanh

Trong thời gian tới, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế hướng mạnh theo chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạn chế sử dụng tài nguyên hóa thạch, tăng cường sử dụng tài nguyên có khả năng tái tạo.

Năng lực cho bộ máy quản lí nhà nước các cấp cần được tăng cường về kĩ năng phân tích thách thức, xác định cơ hội, đặt ưu tiên cho các dự án, nguồn lực thực hiện chính sách và đánh giá hiệu quả các mặt của dự án xanh. Tiến đến đào tạo đội ngũ chuyên trách tiếp cận với kinh tế xanh, tăng trưởng xanh thông qua phương pháp đo lường và hoạch toán xanh (hoạch toán tài sản toàn diện). Các địa phương cần thiết kế và xây dựng lại những mô hình phát triển phức hợp, có kết hợp 4 chức năng xanh: xanh hóa kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới qua một chương trình quốc gia về nhà cửa cho nông dân, đem lại các tiện nghi hiện đại về hạ tầng xã hội (điện, đường, trường, trạm ứng dụng công nghệ sinh học và môi trường), phát huy hệ thống tín dụng vi mô nhằm kích hoạt chuyển dịch sang tăng trưởng xanh ở các địa bàn nông thôn. Đẩy mạnh xanh hóa sản xuất thông qua ưu tiên được cụ thể hóa bằng các khung chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp sạch, kiến tạo công nghệ xanh. Ngân sách Nhà nước phải ưu tiên đầu tư cho các dự án đem lại phúc lợi kinh tế, xã hội cao, khuyến khích đầu tư, mua sắm công nghệ của thị trường xanh.

tai.jpeg
Tăng cường sử dụng tài nguyên có khả năng tái tạo.

Xây dựng cơ cấu kinh tế xanh, bao gồm: Nông nghiệp xanh có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, công nghiệp xanh và dịch vụ xanh.

Xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững, tăng tỷ trọng năng tượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, năng lượng hóa thạch, quản lý chặt chẽ việc phê duyệt và triển khai các dự án nhiệt điện than đảm bảo phù hợp với quy hoạch điện lực quốc gia được cấp thẩm quyền phê duyệt; tăng cường các giải pháp công nghệ đảm bảo phát triển hài hòa năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tăng cường khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện; xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển nhiên liệu khí hydro gắn với điện gió ngoài khơi. Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực năng lượng; nghiên cứu, đề xuất áp dụng các công cụ tài chính, cơ chế khuyến khích, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính đối với các dự án đầu tư vào sử dụng hiệu quả năng lượng. Bên cạnh đó, hoàn thiện các điều kiện cần thiết cho việc phát triển đồng bộ thị trường năng lượng cạnh tranh, đẩy mạnh cơ chế khai thác hạ tầng năng lượng dùng chung; thúc đẩy thị trường cho thiết bị hiệu suất cao và các công ty dịch vụ năng lượng.

Xây dựng danh mục và hướng dẫn triển khai các giải pháp kỹ thuật hiện có tốt nhất, kinh nghiệm quản lý môi trường tốt nhất cho các ngành công nghiệp theo điều kiện quốc gia và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ; rà soát, xây dựng và ban hành định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành công nghiệp. Triển khai giải pháp quản lý và công nghệ trong khai thác, chế biến khoáng sản, chú trọng chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về cụm công nghiệp sinh thái, bền vững; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, vận hành, quản lý các cụm công nghiệp.

Đối với đảm bảo diện tích rừng, tăng diện tích rừng che phủ, giảm việc khai thác rừng quá mức; hạn chế việc chuyển đổi rừng và đất rừng thành đất sản xuất nông nghiệp; quản lý tốt công tác kiểm lâm để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành động chặt, phá rừng, đốt rừng để làm rẫy vì có thể gây ra cháy rừng. Gia tăng mật độ cây xanh có độ che phủ tốt ở các đô thị. Giảm lượng phát thải CO2 bằng cách giảm việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch hoặc sử dụng các loại năng lượng sạch, như: gió, thủy điện, hạt nhân,... Bên cạnh đó, cũng cần giảm lượng CO2 trong không khí xuống mức cho phép bằng cách nhờ cây xanh, vì cây xanh và rừng có thể hấp thụ lượng CO2 thông qua quá trình quang hợp. Ngoài ra, cũng có thể vận dụng công nghệ CCUS là một loại công nghệ sạch, có thể loại bỏ phát thải CO2 từ các ngành công nghiệp như nhiệt điện, xi măng, luyện gang thép, sản xuất phân bón và hóa dầu.

Đầu tư khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ quan trắc môi trường

Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động trong việc đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu; sản xuất các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường và bảo tồn bền vững tài nguyên, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như tạo việc làm cho khu vực nông thôn. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông trại, nông dân chuyển đổi hình thức sản xuất sang hữu cơ; có các gói hỗ trợ tài chính để nông dân duy trì canh tác hữu cơ, hỗ trợ tài chính cho hoạt động giáo dục về canh tác hữu cơ, triển khai các dịch vụ tư vấn về canh tác hữu cơ, hỗ trợ quá trình sản xuất, quảng bá và chế biến sản phẩm hữu cơ.

Phạm Anh