Nghệ An: Cảnh báo cấp cháy rừng cấp nguy hiểm đến cấp cực kỳ nguy hiểm

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 17:30, 27/07/2022

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang bước vào mùa khô nóng. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2022 là năm có diễn biến thời tiết phức tạp và bất thường. Nắng nóng kéo dài, nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng xảy ra rất cao, đặc biệt là ở những vùng rừng có lớp thảm thực vật dễ cháy.

Ngày 26/7, Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Nghệ An năm 2022 vừa ban hành Thông báo cảnh báo cấp cháy rừng trên các khu vực rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 27/7/2022 đến ngày 01/8/2022 từ Cấp IV- Cấp nguy hiểm đến Cấp V- Cấp cực kỳ nguy hiểm.

Cũng theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết khu vực tỉnh Nghệ An từ ngày 27/7/2022 đến ngày 01/8/2022, cường độ nắng nóng tiếp tục kéo dài, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao, nhất là tại các huyện đồng bằng, nền nhiệt phổ biến từ 36-37 độ, độ ẩm tương đối thấp.

chay-rung.jpg
Ảnh minh họa

Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tỉnh Nghệ An năm 2022 cảnh báo cấp cháy rừng trên các khu vực rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 27/7/2022 đến ngày 01/8/2022 từ Cấp IV- Cấp nguy hiểm đến Cấp V- Cấp cực kỳ nguy hiểm.

Ban Chỉ huy đề nghị UBND các huyện, thành, thị; lực lượng Kiểm lâm; các đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018; Công điện số 905/CĐ-TTg ngày 01/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR; Công điện số 3249/CĐ-BNN-TCLN ngày 01/6/2021 của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR; Công văn số 243/KL-QLR ngày 10/6/2022 của Cục Kiểm lâm về việc tăng cường công tác PCCCR; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 21/3/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan có liên quan, các cấp, các ngành trên địa bàn chủ động thực hiện công tác PCCCR; phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể với từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện công tác PCCCR tại địa phương. Chỉ đạo cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; luôn chủ động thực hiện tốt phương châm 04 tại chỗ trong công tác chữa cháy rừng.

Tăng cường phối hợp liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội và các lực lượng có liên quan) trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Duy trì lực lượng trực 24/24h tại chòi canh lửa, bố trí người thường xuyên truy cập, theo dõi trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm nhằm kịp thời phát hiện, đưa ra cảnh báo sớm đến chính quyền địa phương, chủ rừng và nhân dân để nâng cao cảnh giác, chủ động triển khai các biện pháp phù hợp về phòng cháy và chữa cháy rừng.

Tập trung lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, trực PCCCR tại văn phòng, tại các tổ chốt chặn cửa rừng để kiểm tra người ra vào rừng nhằm kịp thời tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng lửa trong rừng gây cháy lan vào rừng. Nghiêm cấm mọi hành vi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng trên địa bàn vào những ngày có nguy cơ cháy rừng ở Cấp IV và Cấp V.

Khi có cháy rừng xảy ra khẩn trương huy động lực lượng để xử lý tình huống cháy rừng, không để cháy lan, cháy lớn; sau cháy rừng cần khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời có phương án phục hồi rừng.

Kế Hùng