Kiến tạo không gian xanh đô thị cần đảm bảo được các quy chuẩn đề ra
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 19:30, 28/07/2022
Thực trạng thiếu không gian xanh trầm trọng tại các đô thị
Trong bối cảnh chất lượng môi trường suy giảm, không khí bị ô nhiễm, việc mảng xanh đô thị bị thu hẹp kéo theo những tác động tiêu cực với sức khỏe và chất lượng sống của người dân.
Đánh giá thực trạng không gian xanh tại các đô thị của Việt Nam, TS. Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Không gian xanh là thành phần không thể thiếu trong hạ tầng đô thị, có vai trò hết sức quan trọng trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm cho TP xanh hơn, đẹp hơn, tạo bản sắc đô thị. Tại điều 57, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra tiêu chuẩn về bảo đảm tỷ lệ không gian xanh, yêu cầu về cảnh quan, vệ sinh môi trường theo quy hoạch. Hay Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng đặt mục tiêu KGX đạt 7m2/đầu người. Tuy nhiên, tại Thủ đô Hà Nội hiện đạt khoảng 2m2/đầu người, đó là thực tế đáng buồn.
GS. TS Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phân tích thêm, không gian xanh đều có trong quy chuẩn. Như diện tích bình quân theo quy chuẩn 01/2021 của Bộ Xây dựng đô thị đặc biệt là 7m2/người, Hà Nội là 9m2, mà WHO đã đề xuất và Việt Nam đang hướng đến.
Bức tranh toàn cảnh cho thấy để đạt quy chuẩn ban đầu rất khó. “Chúng ta ít đề cập đến lợi ích sức khỏe đặc biệt cho nhóm yếu thế như người già, trẻ nhỏ để mọi người rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe. Thiếu không gian xanh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân”, GS. Đặng Thị Kim Chi nhận định.
Các khu đô thị mới chiếm tỷ trọng rất lớn trong khu vực sinh sống của thành phố lớn hiện nay và những năm tới. Do đó, cần sớm ban hành “Quy định xây dựng và quản lý không gian xanh trong các khu đô thị mới” nhằm tạo lập môi trường sống có chất lượng tốt cho cư dân. Bên cạnh đó, xây dựng và quản lý không gian xanh cần được chính quyền đô thị, chủ đầu tư, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư quan tâm nhiều hơn nữa trong quá trình phát triển từng địa phương.
Ngoài các nguyên nhân khách quan như quỹ đất eo hẹp, ông Đồng cho rằng, “nguyên nhân nữa của việc thiếu mảng xanh đô thị, có thể nói đến con người quản lý đô thị, chính sách đô thị”. “Cơ quan quản lý cần có trách nhiệm chung thực hiện theo Luật hay tại những quy chuẩn đã có, để có tầm nhìn dài hạn về vấn đề không gian xanh”, ông Đồng nhấn mạnh.
Phát triển đô thị với tỷ lệ cây xanh, không gian xanh đạt tiêu chuẩn
Nói về giải pháp giải tỏa ''cơn khát'' không gian xanh đô thị, GS. TS Kim Chi chia sẻ: “Có nhiều giải pháp để kiểm soát ô nhiễm không khí, tôi muốn lưu ý chỉ thị 03 của Thủ tướng về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí. Chỉ thị giao trách nhiệm đến các bộ ngành chứng minh người đứng đầu Chính phủ rất quan tâm vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí. Chúng ta phải tìm mọi cách phát triển đô thị xanh với tỷ lệ cây xanh, không gian xanh đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, giảm thiểu tại nguồn chất gây ô nhiễm. Vấn đề giao thông đô thị cũng gây ô nhiễm rất nhiều, phải quy hoạch giao thông như thế nào để khí thải đạt quy chuẩn cho phép”.
Để kiến tạo không gian đô thị xanh trong đô thị cần hiểu nguyên tắc hình thành hệ thống không gian xanh đô thị. Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Thế Đồng cho biết, ở nhiều quốc gia, các thành phố được xây dựng theo đúng nghĩa đô thị xanh, đô thị sinh thái. Chúng ta có thể học rất nhiều bài học như Singapore là đất nước có diện tích nhỏ, mật độ dân cư cao, tập trung nhiều hoạt động khác nhau nhưng luôn đứng đầu về đảm bảo tiêu chí KGX, đạt 30m2/đầu người.
Tại Việt Nam nhiều nơi đã có sự thay đổi đáng khích lệ như ở Hội An, Đà Nẵng trồng loại cây phù hợp hơn đối với môi trường đô thị. "Để giải quyết vấn đề quỹ đất thiếu, tôi kiến nghị tận dụng diện tích xen kẹt, bỏ không nhiều năm chuyển thành không gian xanh, đảm bảo không gian sống", TS. Nguyễn Thế Đồng đề xuất.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường tuyên truyền để phát huy vai trò của cộng đồng, người dân trong việc kiến tạo, mở rộng không gian xanh.