Hướng tới thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tại Việt Nam
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 00:30, 07/06/2021
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ rất nhanh. Trên thực tế cho thấy, chúng ta sẽ phải hứng chịu hậu quả khôn lường nếu mất đi sự cân bằng giữa mối quan hệ con người và tự nhiên. Dịch bệnh Covid hiện nay cũng là hệ quả của sự mất đi cân bằng sinh thái. Những nước đang phát triển, và một số khu vực trên thế giới vẫn đang khai thác kinh tế dựa vào tài nguyên, còn nền kinh tế tuần hoàn, carbon thấp… vẫn chưa thực sự ảnh hưởng rộng trên phạm vi toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.
Để giải quyết được bài toán này, trong bối cảnh khi mô hình cũ, tư tưởng cũ vẫn còn thì cần có những phân tích để làm cơ sở hoàn thiện thực hiện những chủ trương lớn, phải nhận thức phát triển dựa vào bảo tồn, hành động phải mang tính thực tiễn cao và phải có lộ trình điều kiện để thực thi. Các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia những người làm công tác môi trường ngoài tri thức, tình yêu với môi trường còn cần có ứng xử, trách nhiệm truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến với người dân để giải quyết mối quan hệ con người với tự nhiên.
“Việt Nam sẽ có những bước đi cụ thể hơn, có vị trí quan trọng trong thực hiện các sáng kiến của thế giới, góp phần đạt mục tiêu chung của toàn cầu, cùng chung tay thực hiện mục tiêu của Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, bài tham luận của các đại biểu đến từ các Bộ/ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học, giúp chúng ta có thêm cơ sở vững chắc để đánh giá khách quan toàn diện hơn về những thành tựu và cả những hạn chế trong việc thực hiện phục hồi hệ sinh thái tại Việt Nam; hướng tới những hành động phù hợp và đáp ứng được những thách thức, yêu cầu của Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Việt Nam, 2021-2030.
Việt Nam chủ động bước vào ‘thập kỷ phục hồi hệ sinh thái’
Ngày Môi trường thế giới (5/6) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm 2021, chủ đề Ngày Môi trường thế giới là “Phục hồi Hệ sinh thái” (Ecosystem Restoration); với thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.
2021 là năm được Liên hợp quốc phát động cho một Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương, giúp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt.
Hệ sinh thái đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp cho chúng ta những lợi ích vô giá như ổn định khí hậu, lọc không khí, cung cấp oxy, cung cấp nguồn nước, thức ăn, thuốc men,…
Ngoài ra, các hệ sinh thái còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, các hệ sinh thái hiện đang có tốc độ suy thoái nhanh nhất trong lịch sử loài người vì đang phải đối mặt với các mối đe dọa vô cùng to lớn như nạn chặt phá rừng; ô nhiễm nước hồ, sông suối; các vùng đất ngập nước trở nên khô hạn; vùng biển và ven biển bị suy giảm chất lượng và bị khai thác quá mức.
Để ứng phó với thực trạng này, ngày 01/3/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 – 2030 là “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học.
Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.
Hoài An