Năm 2050, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại 3,5% GDP của Việt Nam

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:30, 31/07/2022

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam thường xuyên đối mặt với bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và cường độ, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định và bền vững.

Mới đây, tại hội thảo quốc tế "Tác động của Biến đổi khí hậu tới việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương: Chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt” do Bộ Ngoại giao và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức (ngày 29/7), bà Pauline Tamesis - điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại tới 3,5% vào năm 2050. Điều đáng nói là, tính dễ bị tổn thương do khí hậu ảnh hưởng đến hơn 74% dân số Việt Nam.

bien-doi-khi-hau-1.jpg
Ảnh minh họa

Còn theo báo cáo mới của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), trên toàn cầu, nhiệt độ và độ ẩm sẽ tạo ra những điều kiện vượt quá khả năng chịu đựng của con người nếu lượng khí thải không được cắt giảm, Việt Nam nằm trong số những nơi có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đa số các vùng tại Việt Nam đang có nhiệt độ bầu ướt là 26-29°C gây rủi ro ở mức trung bình, nhưng nếu không cắt giảm lượng khí thải nhanh chóng, hầu như toàn bộ Việt Nam sẽ chạm ngưỡng nhiệt độ bầu ướt nguy hiểm (30-33°C).

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, với chủ trương lấy “nhân dân làm trung tâm, chủ thể”, Việt Nam quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo đảm quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nội dung đó trong chính sách, pháp luật ở Việt Nam cũng được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa các điều ước quốc tế.

Tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), Việt Nam tham gia Nhóm Nòng cốt cùng với Philippines và Banglades, thúc đẩy các nghị quyết hàng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người, với trọng tâm mỗi năm tập trung vào quyền của từng nhóm cụ thể như quyền trẻ em, quyền phụ nữ, quyền người cao tuổi, quyền của người di cư… Các nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực nhằm đưa ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Việt Nam đang vận động ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025, với phương châm “tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác, bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”. Đất nước quyết tâm triển khai các cam kết tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), bao gồm cả việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như các cam kết theo những công ước quốc tế về nhân quyền đã tham gia.

Bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ kiêm Giám đốc UNDP khu vực châu Á và Thái Bình Dương bày tỏ, hoan nghênh Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu kép trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; trong đó luôn đặt người dân ở trung tâm, cam kết bảo đảm quyền con người.

Bà Wignaraja nhắc lại phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam tại Khóa họp HĐNQ lần thứ 50 vừa qua, theo đó tất cả các tiếng nói, bao gồm của các nhóm dễ bị tổn thương, yếu thế nhất phải được lắng nghe, bởi họ là những nhân tố quan trọng tác động đến sự thay đổi và thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp địa phương.

Bà Wignaraja cũng khẳng định, UNDP cam kết mạnh mẽ ủng hộ Chính phủ Việt Nam và các tổ chức xã hội trong việc xây dựng các chính sách thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu và các chính sách môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.

Tại Hội thảo, các Đại sứ, đại diện tại Việt Nam đã có nhiều chia sẻ về kinh nghiệm, thực tiễn tốt về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, cũng như các góc nhìn, khuyến nghị, định hướng của quốc tế trong vấn đề này.

Đại diện nhiều bộ, ngành, tổ chức của Việt Nam như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Quyền con người – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ... và các đại biểu địa phương cũng đã giới thiệu những thông tin cập nhật về chủ trương, chính sách, các cam kết, nỗ lực cũng như các thách thức và nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền của những nhóm dễ bị tổn thương.

Minh An