Thủ tướng yêu cầu “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không"

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 15:00, 03/08/2022

Ngày 3-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, được kết nối trực tuyến tới các địa phương.

Phiên họp tập trung thảo luận các nội dung về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công và phòng chống dịch Covid-19.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết tình hình 7 tháng đầu năm 2022 có nhiều biến động, có những vấn đề chưa có tiền lệ như cạnh tranh chiến lược, xung đột Ukraine, các vấn đề an ninh phi truyền thống; giá nguyên vật liệu, giá xăng dầu tăng cao; an ninh năng lượng, lương thực; lạm phát xảy ra ở nhiều nước; thiên tai, dịch bệnh có nhiều bất ngờ, chưa có tiền lệ...

thu-tuong.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2022.

Ở trong nước, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài còn hạn chế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đạt kết quả hết sức tích cực: kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, chuỗi cung ứng lao động phục hồi nhanh; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại được thúc đẩy.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực đang ở mức đáng báo động; an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của Việt Nam, đã thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa. Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022.

Thủ tướng cho biết là nền kinh tế có độ mở lớn, tới thời điểm này kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 432 tỉ USD. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, 5 cân đối lớn được bảo đảm. Quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hội nhập và đối ngoại được mở rộng, đẩy mạnh.

Dù vậy, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nền kinh tế vẫn đối diện áp lực và nguy cơ lạm phát. Cùng với đó, vấn đề giải ngân đầu tư công, triển khai một số nhiệm vụ trong chương trình phục hồi và phát triển còn hạn chế.

Tại phiên họp, Thủ tướng chỉ rõ việc điều hành phát triển kinh tế-xã hội thực hiện trên tinh thần 4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 không. Bốn ổn định gồm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; ổn định đời sống vật chất, tinh thần nhân dân.

Ba tăng cường gồm tăng cường nắm tình hình; tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Hai đẩy mạnh gồm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn, việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Một tiết giảm là tiết giảm chi tiêu đối với những khoản không cần thiết. Một không là không điều hành giật cục.

Theo chương trình phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia.

An Nhiên