Quảng Ngãi cần tăng cường công tác quản lý các "trang trại điện mặt trời"

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 17:30, 03/08/2022

Cần phải có cơ chế, chế tài quản lý trang trại nông nghiệp kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời (ĐMT) để tránh sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, phá vỡ quy hoạch, gây hệ lụy môi trường trong tương lai.

Hiện nay trên địa bàn TX.Đức Phổ có 9 phương án sản xuất nông nghiệp kết hợp ĐMT áp mái đã được UBND thị xã thống nhất chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 14,7ha. Trong đó, nhiều nhất là ở xã Phổ Cường với 7 phương án, còn lại phường Phổ Vinh và xã Phổ Nhơn mỗi địa phương 1 phương án.

Phương án đăng ký đầu tư là làm trang trại nấm công nghệ IOT, chăn nuôi bò, gà thịt thả vườn chất lượng cao kết hợp ĐMT áp mái. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều phương án hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi theo kiểu “cho có”, chủ đầu tư chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng, lắp đặt các tấm thu năng lượng mặt trời để sản xuất điện.

Qua khảo sát thực tế của Đoàn khảo sát của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND TX.Đức Phổ tại 9 phương án sản xuất nông nghiệp kết hợp với ĐMT áp mái trên địa bàn thị xã vừa qua, hầu hết các chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ việc sản xuất nông nghiệp theo chủ trương đã được UBND thị xã thống nhất. Đa phần các phương án, nhất là ở xã Phổ Cường chưa thật sự quan tâm đến sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu đầu tư điện năng lượng mặt trời áp mái.

Mặc dù đưa vào hoạt động từ năm 2020, tuy nhiên, 7 phương án sản xuất nông nghiệp trồng nấm công nghệ IOT kết hợp ĐMT mái tại xã Phổ Cường chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân do các chủ đầu tư chưa quan tâm đầu tư công nghệ IOT cho trồng nấm theo đúng tiêu chuẩn và chỉ trồng với quy mô nhỏ.

dien-mat-troi.jpg
Cần tăng cường kiểm tra, quản lý các trang trại nông nghiệp kết hợp ĐMT áp mái

Tại thời điểm khảo sát, tất cả 7/7 phương án trồng nấm tại Phổ Cường đều không có phôi nấm mới mà chỉ còn lại một số phôi nấm cũ từ năm 2021 không còn sử dụng, trong đó có một số phương án chủ đầu tư tự chuyển sang trồng cây đinh lăng.

Đoàn khảo sát của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND TX.Đức Phổ cho rằng, theo phương án được duyệt, đất được quy hoạch để thực hiện các phương án nông nghiệp, nên theo quy định, chủ đầu tư phải triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp trước, sau đó mới kết hợp khai thác ĐMT áp mái.

Chính vì vậy, Đoàn khảo sát đề nghị Phòng Kinh tế tham mưu cho UBND TX.Đức Phổ yêu cầu các chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện đúng phương án được thống nhất chủ trương hoặc chủ trương điều chỉnh. Trong trường hợp chủ đầu tư các phương án không sản xuất nông nghiệp mà chỉ thực hiện ĐMT áp mái, thì xem xét xử lý việc sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Báo cáo của Công ty Điện lực Quảng Ngãi cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 1.322 hệ thống ĐMT mái nhà với tổng công suất 162,732MWp; trong đó có 108 hệ thống ĐMT mái nhà trang trại với tổng công suất là 107,527 MWp.

Theo quy định, người dân, doanh nghiệp chỉ được tận dụng mái nhà trang trại để lắp đặt ĐMT. Trang trại đương nhiên là để nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt,... phát triển kinh tế, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lập dự án trang trại, nhưng rồi chỉ để lắp đặt ĐMT áp mái, thu lợi nhuận, trong khi đó hoạt động sản xuất nông nghiệp chỉ mang tính chất đối phó.

Qua kiểm tra của ngành chức năng, một số trang trại sản xuất nông nghiệp kết hợp ĐMT áp mái trên địa bàn tỉnh chỉ khai thác một phần đi vào sản xuất, chăn nuôi; một số trang trại còn lại đang trong quá trình hoàn thiện để đi vào sản xuất.

Nguyên nhân được đưa ra là do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các trang trại khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Do đó, một số trang trại phải đánh giá lại và nghiên cứu tìm hướng đi mới cho việc nuôi trồng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường nên chậm đi vào sản xuất.

Theo Sở Công thương, từ ngày 1/1/2021 chính sách giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được quy định tại Quyết định số 13, ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực, nên từ đó đến nay việc phát triển các hệ thống ĐMT mái nhà trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng, việc đầu tư hệ thống ĐMT mái nhà kết hợp trang trại nông nghiệp trước đây được thực hiện chủ yếu là do cá nhân hoặc tổ chức tự đầu tư, thỏa thuận đấu nối và thực hiện trực tiếp hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Quảng Ngãi. Trong suốt quá trình từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi phát điện lên lưới không có sự tham gia quản lý nhà nước của Sở Công thương. Do vậy việc phát triển nguồn ĐMT mái nhà trong thời gian qua không được kiểm soát phù hợp với phụ tải sử dụng điện đã gây khó khăn cho vận hành hệ thống điện quốc gia.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển ĐMT, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì cùng các Sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra việc phát triển ĐMT mái nhà trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung các hệ thống ĐMT mái nhà lắp đặt trên các mái trang trại.

Theo Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Rân, phát triển ĐMT là lĩnh vực mới, theo hướng khuyến khích nên các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành còn thiếu đồng bộ, do đó các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay còn lúng túng trong việc hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với các dự án ĐMT mái nhà. Đặc biệt là các dự ĐMT áp mái trên các công trình nông nghiệp. Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công thương xem xét các vấn đề này.

“Trong khi chờ đợi hướng dẫn của Bộ Công thương, thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở Công thương sẽ phối hợp với các Sở, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn để các dự án ĐMT mái nhà hoạt động tốt, hiệu quả hơn trong hành lang quy định pháp luật hiện hành”, Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Rân cho biết.

Vũ Thành