Phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử
Kinh tế - Ngày đăng : 10:30, 06/08/2022
Ngày 5/8, Tạp chí kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại (Viện Kỹ thuật chống hàng giả) phối hợp Tạp chí Việt Nam hội nhập (Viện Chính sách, pháp luật và quản lý) tổ chức toạ đàm khoa học chuyển đổi số về phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong hoạt động điện tử.
TS. Nguyễn Đức Tài, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật chống hàng giả, Chủ tịch HĐKH Tạp chí kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại, cho biết theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020.
Với tăng trưởng đó, Việt Nam vào nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong năm nay, 2022, dự báo tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam ở mức cao nhất từ trước đến nay nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, cùng với đó thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái và các hành vi gian lận thương mại diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp trong hoạt động TMĐT. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành mạnh của thị trường, tác động nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Đồng thời làm ảnh hưởng đến quyền lợi và suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, đại diện Cục Thương mại và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết sở dĩ hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT ngày càng “nở rộ” là do phương thức hoạt động, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi.
Đơn cử như các đối tượng đưa thông tin, hình ảnh hàng hoá lên mạng là hàng thật nhưng giao hàng thì lại là hàng giả, hàng nhái mà bản thân khách hàng có khi cũng khó phát hiện.
Hoặc một số đối tượng tạo các tài khoản ảo trên các sàn TMĐT, mạng xã hội để rao bán hàng giả, hàng nhái. Có một số mạng xã hội, các trang rao vặt còn phát hiện rao bán cả hàng cấm.
“Một số đối tượng buôn bán hàng cấm, đưa hình ảnh sản phẩm không rõ nên rất khó phát hiện. Năm 2020, Cục đã phát hiện một vụ rao bán trên TMĐT lá cây đu đủ, nhưng hình ảnh lại là lá cây cần sa. Sau đó, Cục đã phải có công văn gửi cho các website TMĐT yêu cầu gỡ bỏ”, ông Tú nói.
Ngoài các nguyên nhân trên, lỗi cũng nằm ở một bộ phận người tiêu dùng khi biết là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, giá rất rẻ nhưng vẫn chấp nhận mua hàng.
“Áo Adidas, Nike bán trên các website chỉ 100.000 đồng/cái, hay cái đồng hồ Rolex ở chợ Đồng Xuân bán có 50.000 đồng thì không thể là hàng thật được. Cùng với cơ quan quản lý nhà nước thì người dân cũng phải nâng cao ý thức, làm một người tiêu dùng thông thái” - ông Tú chia sẻ.
Ông Tú khuyến cáo người mua hàng nên mua trên các sàn TMĐT uy tín, được xác thực bởi Bộ Công Thương. Các sàn này đã được kiểm soát rất chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng.
Tại Tọa đàm, một số sản phẩm của các doanh nghiệp kinh doanh tiêu biểu và các sản phẩm mẫu giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng phân biệt giữa hàng thật và hàng giả, hàng nhái đã được trưng bày và giới thiệu tại Tọa đàm. Đây cũng là một dịp để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi để tìm ra giải pháp cho doanh nghiệp, bảo vệ những sản phẩm chất lượng. Người tiêu dùng cũng từ đây trở nên thông thái hơn, lựa chọn sản phẩm tốt để sử dụng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh hơn, ngăn chặn những mặt hàng gian, hàng giả, hành vi gian lận thương mại nhất là trong hoạt động thương mại điện tử
Tọa đàm đã chứng minh một cách rõ nét tính cấp thiết của việc phòng, chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong hoạt động thương mại trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Các vấn đề tham luận góp phần vào sự thành công của Tọa đàm, bóc tách được các vấn đề, đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này, để từ đó các chuyên gia, các nhà quản lý cùng các doanh nghiệp và người tiêu dùng nỗ lực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa bảo vệ thị trường hoạt động thương mại điện tử, sớm ngăn chặn mặt hàng giả và hành vi gian lận thương mại.