Hà Tĩnh: Kè biển Cẩm Nhượng lại sạt lở nghiêm trọng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:30, 07/08/2022
Ngày 5-8, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đã giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các sở Tài chính, NN-PTNT và các cơ quan liên quan kiểm tra, soát xét cụ thể phương án, khả năng cân đối nguồn vốn để tham mưu thực hiện xử lý khắc phục tình trạng hư hỏng, sạt lở tuyến kè biển Cẩm Nhượng (ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên).
Thông tin với báo chí, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua do tác động của triều cường, sóng biển mạnh khiến tuyến kè biển qua địa bàn xã này tiếp tục bị sạt lở, sụt lún, sập, vỡ cấu kiện bê tông...
Người dân và chính quyền địa phương rất lo lắng trước nguy cơ kè có thể sẽ bị sập, nước biển xâm thực, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân khi mùa mưa bão đang đến gần.
Năm 2021, sau khi tuyến kè biển Cẩm Nhượng bị triều cường làm hư hỏng, sạt lở, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đầu tư gần 2 tỷ đồng khắc phục, sửa chữa một số vị trí sụt lún, sạt lở. Tuy nhiên, việc này chỉ là giải pháp tạm thời.
Mới đây, UBND huyện Cẩm Xuyên đã báo cáo tình trạng sạt lở tuyến kè và đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí dự toán khoảng 14,5 tỷ đồng để triển khai các phương án sửa chữa, khắc phục sạt lở đảm bảo an toàn cho tuyến kè.
Tuyến kè biển Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) được xây dựng từ năm 2003 với tổng chiều dài hơn 1,2 km. Tuyến kè này có vai trò đặc biệt quan trọng, chắn sóng, bảo vệ cho khoảng 1.200 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu tại các thôn Phúc Hải, Xuân Bắc, Xuân Nam, Hải Bắc, Hải Nam và thôn Chùa.
Qua hàng chục năm chịu áp lực triều cường, kè biển Cẩm Nhượng đã xuống cấp và hư hỏng nhiều. Huyện Cẩm Xuyên đã nhiều lần sửa chữa nhưng do thiếu kinh phí nên công tác sửa chữa chỉ “chắp vá”, hiện nay, xuất hiện nhiều điểm sạt lở.
Trên tuyến kè đoạn qua thôn Hải Nam với chiều dài khoảng 300m nhưng có đến hàng chục điểm sụt lún, sạt lở, sập, vỡ các cấu kiện, khoét lọng sâu dưới chân kè, tạo ra nhiều “hàm ếch” rỗng bên trong. Đáng nói, có những điểm sạt nghiêm trọng, rộng khoảng 200 m2 và nằm sát chân kè. Chỉ cần sóng biển lớn, áp lực từ những đợt triều cường của bão cấp 7 trở lên là cả tuyến kè có nguy cơ bị “nuốt chửng”.