TPHCM còn 34 bến thủy nội địa chưa được cấp phép hoạt động

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 15:00, 10/08/2022

Sở Giao thông Vận tải cho biết, TPHCM đang tồn tại 34 bến thủy nội địa không bảo đảm an toàn hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hoạt động bến, mất an toàn giao thông đường thủy, đường bộ.

34 bến thủy nội địa hoạt động không phép tại TP.HCM chủ yếu nằm ở TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi… Các bến này chủ yếu phục vụ hoạt động bốc dỡ vật liệu xây dựng.

Theo đó, các bến thủy nội địa này có nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông đường thủy, đường bộ. Đồng thời, các bến thủy nội địa này cũng gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh đối với các cảng, bến thủy nội địa đã được cơ quan thẩm quyền cấp phép hoạt động.

ben-thuy.jpg
Ảnh minh họa

Cụ thể, các bến không phép hoạt động đan xen với các bến thủy nội địa được cơ quan thẩm quyền công bố, gây ra sự cạnh tranh không công bằng. Chủ bến không phép thường giao cho nhân viên trông coi, quản lý. Khi có Đoàn công tác kiểm tra thì không hoạt động, không xuất trình được giấy tờ liên quan. Chủ bến không xuất hiện, không hợp tác, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý.

Một số cơ sở kinh doanh có sử dụng bến thủy nội địa đã có quyết định đình chỉ, xóa tên bến trong danh mục cảng, bến lưu giữ tại bộ phận quản lý cảng, bến thủy nội địa của Sở; lực lượng Cảnh sát Đường thủy đã kiểm tra, xử lý nhiều lần. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn còn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do các cơ quan thẩm quyền cấp và thực hiện đóng thuế theo quy định nên vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh trên bờ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm.

Để xử lý tình trạng này, Sở GTVT đã lập danh sách các bến thủy nội địa hoạt động không phép gửi cho CATP, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có liên quan đề nghị phối hợp tăng cường kiểm tra, có biện pháp xử lý triệt để theo thẩm quyền.

Nghị định số 139/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 quy định các mức phạt cụ thể. Vi phạm quy định về quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu: phạt tiền từ 20.000.000-35.000.000 triệu đồng. Vi phạm quy định về vận tải đường thủy nội địa: phạt tiền từ 1.000.000-20.000.000 đồng, tùy đối tượng. Ngoài ra có hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 2 đến 4 tháng.

Minh An