Bộ Y tế chưa xem Covid-19 là bệnh lưu hành, chưa công bố hết dịch
Y tế - Ngày đăng : 17:00, 12/08/2022
Trong tờ trình gửi Thủ tướng ngày 10/8, Bộ Y tế lý giải, để coi Covid-19 là bệnh lưu hành, cần đáp ứng tiêu chí bệnh xảy ra ở một nhóm dân số cụ thể hoặc trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc ổn định và dự báo được.
Trong khi đó, Covid-19 tại hầu hết các nước có số ca nhiễm và tử vong chưa ổn định; xu hướng tăng giảm thay đổi khi có biến thể virus mới. Biến thể virus mới liên tục xuất hiện, đồng thời miễn dịch (do vaccine hoặc mắc bệnh) chưa ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian. Do đó, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.
WHO đưa ra kế hoạch kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022 với điều kiện cơ bản là tỷ lệ bao phủ vaccine đạt trên 70% dân số trên phạm vi toàn cầu; kiểm soát được số ca mắc mới và tử vong do Covid-19. WHO cũng khuyến khích các quốc gia chuyển tiếp biện pháp phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Trên thế giới, chưa quốc gia nào công bố Covid-19 là bệnh lưu hành. Một số nước đưa ra tiêu chí xem Covid-19 là bệnh lưu hành, như ca tử vong thấp, ca bệnh nặng phải nhập viện giảm, độ bao phủ vaccine cao ở nhiều độ tuổi, đặc biệt là nhóm dân số nguy cơ cao. Thời gian qua, nhiều nước từng bước nới lỏng biện pháp chống Covid-19 như đối với các bệnh thông thường khác.
Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế; tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.
Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng, có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
Trước tình hình này, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; tiếp tục xác định Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A.